Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua những đối tượng lạ mặt đã dụ dỗ nhiều trẻ em đi lao động trái phép tại các tỉnh phía Nam. Hậu quả là các em bị bóc lột, đánh đập, không được trả tiền công cùng với bao hiểm nguy khác đang rình rập.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ở hai thôn Phú hoà và Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã có 11 em là đồng bào dân tộc H’Mông, độ tuổi từ 13 – 17 tuổi bị dụ dỗ đi làm. Tất cả đều được những đối tượng lạ mặt thỏa thuận với gia đình bằng những hợp đồng miệng không có giá trị pháp lý.

Theo gia đình của các nạn nhân, trước đó họ được những đối tượng lạ mặt đặt vấn đề đưa con cái xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc, với mức lương 18 triệu đồng/năm. Các đối tượng hứa công việc đơn giản, lương cao, đến Tết sẽ đưa về nhà và trả toàn bộ tiền công nên nhiều gia đình đã đồng ý cho con cái mình đi làm.

Triệu Thị Thúy vừa trở về sau nhiều ngày làm việc cực khổ dưới TP.HCM

Triệu Thị Thúy vừa trở về sau nhiều ngày làm việc cực khổ dưới TP.HCM

Gia đình anh Sồng A Giàng (trú tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú) là một trong những gia đình có con gái vừa được trở về sau khi bị các đối tượng đưa xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc. Anh Giàng kể lại: “Nghe đứa con rể nói có nhiều đứa ở Đắk Lắk cũng đi được rồi nên gia đình cũng đồng ý cho con đi. Khoảng đầu tháng 3 có xe ô tô lên tận nhà đón cháu cùng với một số cháu gái khác ở trong thôn xuống thành phố làm việc”.

Một nạn nhân kể lại, các em bị đưa xuống TPHCM làm việc tại các cơ sở may mặc. Mỗi ngày các em phải làm từ 7h sáng đến 6h tối, buổi trưa chỉ được nghỉ 2 tiếng để ăn cơm, có hôm phải làm ca 3 từ 8 đến 10 giờ đêm. Công việc quá sức khiến các em mệt mỏi và nhiều khi có suy nghĩ muốn bỏ trốn về với gia đình.


Nhiều em được chính quyền địa phương phối hợp với gia đình xuống tận nơi đưa về

Nhiều em được chính quyền địa phương phối hợp với gia đình xuống tận nơi đưa về

Sồng Thị Nênh, con gái anh Giàng cho biết, cùng chuyến đi với em còn có 15 bạn nhỏ khác. “Xuống đến nơi, chủ cho mấy đứa ở chung một phòng, buổi tối ngủ không có chăn. Chủ bắt đi làm từ 6h đến 12h trưa, sau đó đi làm đến 5h chiều, về nghỉ ăn cơm một tí rồi lại làm đến 11h đêm”.

Ông Sồng A Mo (trú thôn Phú Vinh) cũng có hai con gái là Sồng Thị Doa (14 tuổi) và Sồng Thị Khoánh (16 tuổi) bị dụ dỗ xuống TP Hồ Chí Minh làm việc tại một xưởng may.

Theo lời kể của gia đình, các cháu phải làm việc mệt nhọc, quá sức, thường xuyên bị bà chủ la rầy quát mắng, không chịu nổi các cháu muốn về mà không có tiền, lại bị bà chủ quản thúc chặt chẽ. Thấy hai đứa con gọi điện về khóc lóc, cầu cứu bố mẹ, vợ chồng ông Mo mới cầu cứu đến chính quyền địa phương. Sau đó chính quyền địa phương đã phối hợp cùng gia đình xuống tận nơi đón hai con về.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em đang đi làm nhưng gia đình, địa phương không biết địa chỉ chính xác

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em đang đi làm nhưng gia đình, địa phương không biết địa chỉ chính xác

Tương tự, tại xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô cũng có hàng chục trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái phép.

Dáng người nhỏ bé, nét mặt còn ngây thơ non nớt, Triệu Thị Thúy (14 tuổi, trú xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) vẫn chưa quên những những ngày tháng lao động vất vả với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng trong một xưởng giày da tại TPHCM. Thúy cho biết, hoàn cảnh làm việc cực khổ, không như hứa hẹn ban đầu nên vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lợi dụng sơ hở của chủ xưởng em đã trốn được về với gia đình.

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir cho biết, qua những trường hợp trẻ em bị dụ dỗ đi lao động ngoại tỉnh, địa phương đã mời các gia đình này lên tuyên truyền vận động. Sau đó một số gia đình đã gọi con về, nhưng còn khoảng 6 em nữa vẫn đi làm ở TPHCM.

Theo tìm hiểu, huyện Krông Nô có khoảng 50 trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái phép. Tình trạng các em nhỏ bị dụ dỗ đưa đi lao động, trong khi gia đình và chính quyền địa phương không nắm được tình trạng ăn ở, điều kiện lao động của các em, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu.

Theo Dân trí

Từ khóa : lao động khổ sailao động trái phéplao động trẻ em

Các tin liên quan đến bài viết