Nhiều lớp nghệ sĩ cùng thời với Hứa Vĩ Văn nổi tiếng rồi vô danh, chìm nổi, có người bỏ nghề, có người đã chìm hẳn vào quên lãng. Nhưng Hứa Vĩ Văn vẫn như thách thức thời gian bởi cả ngoại hình lẫn đam mê dành cho phim ảnh.

Hứa Vĩ Văn: Có lẽ bây giờ mới là thời điểm của tôi - Ảnh 1.

Mạnh sẽ là vai diễn “khác màu” so với trước đây của Hứa Vĩ Văn, trong bộ phim Chàng vợ của em

Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa ở khu Q.5, Sài Gòn, Hứa Vĩ Văn là tên thật và là cái tên khiến anh gặp “rắc rối” nhất khi mới bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật những năm 1990-2000.

“Khán giả cứ nghĩ tôi học đòi lấy nghệ danh “ba Tàu” giống nhiều ca sĩ trẻ hồi đó. Họ nghĩ tôi chỉ lớt phớt ca hát phục vụ cho khán giả teen” – Hứa Vĩ Văn cười.

16 tuổi đã bắt đầu biết kiếm tiền, thậm chí được trả rất nhiều tiền để làm người mẫu đóng phim quảng cáo, quay video karaoke, từng là nam sinh “trong mộng” của biết bao cô gái và nay bước vào độ tuổi gần 40, nghiệp diễn với anh có thể xem là chín muồi nhất, với những vai diễn góc cạnh, thử thách chính mình. Hứa Vĩ Văn tự tin: “Có lẽ bây giờ mới là thời điểm của tôi”.

Tôi nghĩ mình có ngày hôm nay cũng là vì suy nghĩ: mình có thể nghèo, có thể giàu, có thể xấu, có thể đẹp, có thể đóng hay, đóng dở… không quan trọng. Quan trọng là mình sống sao để khi nghĩ lại mình có thể ngẩng cao đầu

HỨA VĨ VĂN

Tự lập từ năm 16 tuổi

Ở tuổi gần 40, Hứa Vĩ Văn cho người ta cảm giác anh đang hài lòng với cuộc sống của mình: một chàng độc thân quyến rũ.

Ngoài thời gian đi đóng phim, đóng quảng cáo, anh hay lui tới những quán bar ít người, lâu năm ở Sài Gòn với những người bạn họa sĩ. Anh nuôi một con chó nhỏ quấn quýt bên mình. Hiếm khi thấy Hứa Vĩ Văn giao du, tụ tập. Anh bảo mình cô đơn nhưng không cô độc!

Hứa Vĩ Văn nói mình may mắn khi có cái nền văn học, hội họa từ thuở tham gia sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi TP, “chinh chiến” khắp các sân khấu, liên hoan ca nhạc thiếu nhi lớn nhỏ cùng những người chị như ca sĩ Thu Minh, diễn viên Hồng Ánh.

Mê ca hát nên đến năm cấp III chọn trường thi, Hứa Vĩ Văn cũng nhắm những trường có phong trào văn nghệ mạnh nhất để ráng thi vào.

“Thi đậu vào Bùi Thị Xuân ai cũng nghĩ vì mình muốn học trường điểm mà có ai biết là vì văn nghệ ở trường này mạnh lắm. Nhà ở Q.5 mà ráng đạp xe hơn 30 phút đến Q.1 đi học mỗi ngày là biết rồi”.

Vào trường chưa được bao lâu, Hứa Vĩ Văn đã ẵm luôn giải nhất nam sinh thanh lịch của trường, rồi được mời tham gia Câu lạc bộ người mẫu Hoa học đường đình đám của Nhà văn hóa Thanh niên ngày ấy.

Gương mặt sáng bừng, trẻ trung, dáng người cao ráo, cân đối, Hứa Vĩ Văn liên tục nhận được lời mời làm mẫu ảnh, mẫu quảng cáo sản phẩm.

Hứa Vĩ Văn: Có lẽ bây giờ mới là thời điểm của tôi - Ảnh 4.

“Tôi còn nhớ là năm 1996, tôi được mời tham gia đóng quảng cáo dầu gội với hoa hậu Ngô Mỹ Uyên. Cátsê của tôi lúc đó là 200 USD! Với một thằng bé 16 tuổi thì đó là cả một gia tài. Suốt những năm cấp III tôi tự đi làm, tự đóng tiền học, tự mua sắm cho bản thân. Tôi tự lập bắt đầu từ ngày đó…”.

Hứa Vĩ Văn

Sau khi hoàn thành vai thanh tra K trong bộ phim Ống kính sát nhân, vai Mạnh trong bộ phim Chàng vợ của em (chuẩn bị khởi chiếu ngày 24-8) và một vai diễn với nội tâm, hình tượng hoàn toàn khác biệt với Hứa Vĩ Văn trong bộ phim điện ảnh Trái tim quái vật của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp đang trong thời gian ghi hình, chàng diễn viên điển trai nói anh muốn dành thời gian để nghỉ ngơi, nuôi lại cảm xúc, chuẩn bị cho những dự án “luôn có gì đó mới mẻ, khác biệt” vào năm sau.

Những lúc khó khăn vẫn ngẩng cao đầu

Nhìn vẻ ngoài lịch thiệp, nhã nhặn của Hứa Vĩ Văn, người ta chỉ thấy anh sao mà đủ đầy, đẹp đẽ như người ở chốn nào rơi xuống, chẳng mấy ai biết người đàn ông ấy cũng đã phải kinh qua những tháng ngày mà anh gọi là “bi đát” trong cuộc đời.

“Hồi tôi 8 tuổi trong nhà lúc nào cũng có ba người giúp việc. Bạn bè hay gọi tôi là công tử vì sung sướng lắm chẳng biết khổ là gì! Rồi gia đình sa cơ, phải bán nhà to để chuyển đến một ngôi nhà bé xíu.

Tôi đi học về không có chỗ ngồi học bài phải ôm sách qua nhà thờ ngồi học ké. Cảm giác của một đứa trẻ hụt hẫng lắm. Mà chuyện đó không xảy ra một lần, nó xảy ra rất nhiều lần với gia đình tôi. Rồi cha tôi mất! Tôi là đứa cảm thấy có lỗi vô cùng vì mình chưa làm được gì khiến cha phải tự hào.

Trong ba năm từ năm 2007-2010 là khoảng thời gian bi đát nhất. Tôi không còn một đồng xu trong người, không có ai mời, không làm gì cả… Con đường nghệ thuật mù mịt, muốn đóng phim chả biết làm sao để được đóng. Thế nhưng nghĩ lại, ngay cả những lúc khó khăn nhất ấy mình vẫn ngẩng cao đầu.

Con người tôi thẳng thắn, không bao giờ vì một vai diễn mà đi luồn cúi, nịnh nọt ai cả. Đôi khi mình cũng bốc đồng nữa, có “feeling” mới đóng được. Người ta nghĩ gì về nghề diễn viên ra sao tôi không biết, nhưng tôi trân trọng cái nghề của mình vô cùng” – Hứa Vĩ Văn nói.

Hứa Vĩ Văn: Có lẽ bây giờ mới là thời điểm của tôi - Ảnh 7.

Khuôn mặt hốc hác của Hứa Vĩ Văn trong phim K”

Hồi sinh” bởi năng lượng tích cực của người trẻ

Bộ phim đầu tiên đưa Hứa Vĩ Văn đến với nghiệp diễn là vai diễn trong phim Cây huê xà dài 2 tập của đạo diễn Xuân Cường, sau khi đoạt giải 3 cuộc thi Triển vọng điện ảnh do Hội Điện ảnh tổ chức năm 2002.

Sau lần chạm ngõ đầu tiên đó, Hứa Vĩ Văn liên tục xuất hiện trong các bộ phim truyền hình: Lời thề Đất Mũi, Người đẹp Yasan, Ảo ảnh, Chuyện tình yêu, Công ty thời trang, Nợ đời, Ghen, Ai, Tình yêu pha lê… Nhưng tên tuổi của anh vẫn chưa bật lên hẳn.

Thử sức với điện ảnh lần đầu tiên bằng vai diễn trong bộ phim Saigon love story đóng cùng Ngô Thanh Vân, Hứa Vĩ Văn có cơ hội tham gia vào phim Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn), Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ… Nhưng cột mốc đáng nhớ nhất chính là khi anh nhận vai quản lý Long trong bộ phim dành cho những người trẻ Thần tượng của đạo diễn Nguyễn Quang Huy.

Hứa Vĩ Văn: Có lẽ bây giờ mới là thời điểm của tôi - Ảnh 8.

Hứa Vĩ Văn trong phim K

“Làm việc với họ mình bị lây năng lượng tích cực, họ đam mê, họ vui vẻ, họ ít tính toán. Bộ phim đó không chỉ có diễn viên trẻ, mà ngay cả bạn quay phim, các bạn ở khâu sản xuất… ai cũng đều trẻ. Điều đó tạo ra một không gian rất tuyệt. Và cuối cùng, mọi người thấy đó, chúng tôi đã có một bộ phim rất tươi trẻ” – Hứa Vĩ Văn nhớ lại.

Sau Thần tượng, Hứa Vĩ Văn tiếp tục “mát vai” với vai quản lý Lâm đóng cùng Sơn Tùng MTP trong phim Chàng trai năm ấy, vai nhà sản xuất âm nhạc Minh Đức trong Em là bà nội của anh… Hứa Vĩ Văn “chết” với danh xưng “soái ca” – cái nghệ danh mà anh nói mình không thích chút nào!

Với riêng Hứa Vĩ Văn, điện ảnh Việt có được những khởi sắc tươi tắn như ở thời điểm hiện tại cũng bởi những người trẻ với cách làm mới đã vào cuộc! Anh hòa nhịp nhanh với họ. “Tôi vẫn luôn dành sự ưu ái, niềm tin vào những người trẻ bởi họ trong sáng và họ cần được tạo điều kiện để làm nghề nhiều hơn nữa”.

Nếu chỉ để chạy sô kiếm tiền thì chắc chẳng thời điểm nào thuận lợi hơn với Hứa Vĩ Văn ở thời điểm này. Nhưng ở vị trí của một đàn anh trong nghề, luôn được các bạn trẻ quý mến, anh tự thấy mình có nhiều thứ cần và phải làm cho điện ảnh hơn chỉ là kiếm tiền. “Tôi muốn những bạn trẻ nhìn thấy con đường mà tôi đã đi, đã chọn sẽ luôn có một niềm tin rằng: nếu bạn làm nghề tử tế, sẽ luôn có những người tử tế xung quanh hỗ trợ mình”.

Nếu Hứa Vĩ Văn không trở thành diễn viên?

Thì có lẽ bây giờ đã có một họa sĩ Hứa Vĩ Văn. Năm 2000, theo lời rủ rê của cô bạn thân hàng xóm, Hứa Vĩ Văn đi luyện vẽ rồi thi vào khoa trung cấp hội họa của Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Học hai năm thì nghề diễn “réo gọi” với những cơ hội mới. Cũng có người hỏi anh sao không theo gia đình định cư ở nước ngoài khi có rất nhiều cơ hội (gia đình lớn của Hứa Vĩ Văn hiện sống ở Mỹ), anh chỉ cười hiền bảo: “Mình như một cái cây, cái rễ của nó nằm ở đây. Giờ bảo cắt cái cành rồi cắm vào nước thì sao nó sống được?”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chàng vợ của emdiễn viênđóng phimHứa Vĩ VănNgười mẫu

Các tin liên quan đến bài viết