Không phá rừng lấy gỗ như những nơi khác, ở Phú Quốc, các đối tượng hủy hoại rừng chủ yếu để chiếm đất do thời gian qua, giá đất trên hòn đảo sắp trở thành đặc khu này sốt liên tục.

Phát hiện hàng chục vụ phá rừng nhưng... không lấy gỗ ở Phú Quốc - Ảnh 1.

Hiện trường 1 vụ chặt phá rừng phòng hộ để chiếm đất ở xã Dương Tơ, Phú Quốc

Ngày 2-7, ông Lê Quốc Anh – giám đốc Sở Xây dựng, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang tại đảo Phú Quốc – cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan này và các lực lượng chức năng đã phát hiện, truy quét tổng cộng 58 vụ chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng tại 1 số xã, thị trấn trên địa bàn thuộc các tiểu khu rừng phòng hộ (RPH): 75, 76, 77, 78, 80.

Tổng diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất lên tới 70,24 ha.

Ngoài ra, qua khảo sát vùng đệm giáp ranh giữa đất nông nghiệp với đất rừng, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 18 vụ hủy hoại rừng với tổng diện tích trên 43ha.

Cụ thể, tại xã Cửa Dương, lực lượng chức năng đã phá hủy tại chỗ 5 căn chòi tạm, thu giữ 111 trụ rào bê tông, 392 cây trồng các loại, 1.575m dây kẽm gai, hàng chục tấm tôn.

Tại thị trấn Dương Đông, lực lượng chức năng phá dỡ 1 khung nhà tiền chế chưa hoàn thiện bằng thép, di dời 1.131 cây trồng các loại, thu giữ 101 trụ rào bê tông, 490m dây kẽm gai.

Tại xã Dương Tơ, đã tháo dỡ 4 chòi tạm, 9 cái lều bạt đã cũ, thu giữ 676 cây trồng, 416 trụ rào bê tông, 3.228m dây kẽm gai…

Ông Nguyễn Ngọc Quyết – phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang – cho hay các đối tượng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Phú Quốc thường tăng cường hoạt động vào những lúc cao điểm sốt giá đất.

Thủ đoạn của các đối tượng này hết sức tinh vi, thường thuê người từ nơi khác tới chặt phá rừng vào buổi tổi, ngày nghỉ cuối tuần, lúc trời mưa to… để tránh lực lượng chức năng.

Khi tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện, các đối tượng phá rừng hoặc bỏ chạy, hoặc tỏ ra ngơ ngác khai mình chỉ làm thuê, không rõ họ, tên người thuê mình là ai.

Còn để lấn chiếm đất, sau khi chặt phá, đốt trụi cây rừng, các đối tượng nói trên sẽ trồng cây ăn trái, tràm bông vàng, cây keo, rồi cắm cột bê tông làm ranh giới rồi rao bán.

Đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 161,55 triệu đồng, nhưng mới thu được 37,6 triệu đồng tiền phạt. Đồng thời, chuyển hồ sơ xử lý hình sự 2 trường hợp phá rừng đặc dụng.

Không chỉ phá rừng, chiếm đất, cơ quan chức năng còn phát hiện 15 vụ lấn chiếm đất suối với diện tích tạm đo trên 10.000m2.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chiếm đấtphá rừngPhú Quốcxử phạt

Các tin liên quan đến bài viết