Hàng trăm ha rừng phòng hộ bị phá, bị chặt, bị đốt trụi…nhưng dường như không hề vấp phải bất cứ rào cản nào. Thậm chí khi cùng phóng viên đi thực tế, kiểm lâm còn tỏ ra bất ngờ không nghĩ diện tích rừng bị hủy diệt lại nhiều đến như vậy (!?).
Rừng chẳng có tác dụng gì!
Trước thực trạng phá rừng phòng hộ tại hai thôn Chân Hồ, Tân Tiến thuộc xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, phóng viên Dân trí đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Đông Triều về vấn đề này.
Ông Ngô Đức Hậu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Triều cho rằng, trên thực tế diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực trên đều không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của rừng phòng hộ nhưng không hiểu sao vẫn được đưa vào diện rừng phòng hộ. Cũng theo ông Hậu, rừng phòng hộ tại đây phía dưới chân không có sông, suối,… nên thực chất chỉ có lợi cho phía Bắc Giang chứ không có lợi gì cho Đông Triều.
Điều đáng nói, không chỉ cố gắng chứng minh hơn 3.500 ha (theo báo cáo của Kiểm lâm) rừng phòng hộ tại khu vực trên không đủ tiêu chuẩn của rừng phòng hộ, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đông Triều còn tỏ ra không nắm được việc rừng phòng hộ bị tàn phá, hủy diệt với diện tích lớn đến mức nào.
Chỉ khi phóng viên cung cấp những hình ảnh thể hiện rõ thực trạng quá nghiêm trọng thì lãnh đạo cùng cán bộ của Hạt Kiểm lâm Đông Triều mới cùng phóng viên đi thực tế. Và khi có mặt tại khu vực trên, nơi mà có nhiều cánh rừng toàn bộ cây bị phá sạch sẽ thì chính lãnh đạo Hạt này còn phải tỏ ra ngỡ ngàng.
Thậm chí sau khi tận mắt thấy những cánh rừng bị tàn phá, chính ông Phạm Văn Triển, Hạt trưởng cũng phải thừa nhận bản thân không nghĩ rừng bị phá nhiều đến như vậy. “Sau khi ở đây về, ngay lập tức chúng tôi sẽ cử cán bộ sử dụng máy chuyên dụng để đo cụ thể diện tích mà người dân đã tự ý chuyển đổi và cả diện tích rừng của 7 hộ dân được lâm trường giao đất sản xuất. Từ đó sẽ báo cáo cấp trên để có hướng xử lý”, ông Triển nói.
Có đề nghị Lâm trường rà soát, báo cáo nhưng chỉ bằng mồm
Khi được hỏi với trách nhiệm quản lý Kiểm lâm có phát hiện tình trạng phá rừng phòng hộ tại khu vực trên hay không thì lãnh đạo Kiểm lâm cho biết, vào tháng 7/2017, đơn vị đã từng phát hiện một trường hợp dân thay đổi loại cây trồng. Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, đơn vị cũng đã vài lần đề nghị công ty Lâm nghiệp Đông Triều, đơn vị trực tiếp quản lý rà soát, báo cáo thực trạng nhưng chỉ bằng mồm chứ không có văn bản.
Như Dân trí đã thông tin, rừng phòng hộ tại thôn Tân Tiến, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã bị tàn phá không thương tiếc, nhiều cánh rừng bị phá từ đỉnh đồi xuống tận chân đồi. Nhiều cánh rừng trở thành trọc lốc, trơ đất đá và từ lâu đã trở thành hoang hóa. Theo phản ánh của người dân thì diện tích rừng bị hủy diệt tại đây phải lên tới hàng trăm ha, cây lớn thì được đốn hạ bán cho các chủ lò than, gạch và các xưởng chế biến dăm gỗ…còn cây nhỏ thì bị đốt gốc.
Hạt Kiểm lâm thị xã Đông Triều ban đầu cũng một hai cho rằng, đây không phải là hiện tượng phá rừng mà chỉ là người dân thay đổi cây trồng để năng suất tốt hơn. Tuy nhiên khi được hỏi việc loại bỏ cây thuộc rừng phòng hộ để trồng cây khác có phải xin phép cơ quan có thẩm quyền hay không thì lãnh đạo Hạt này đều thừa nhận, theo qui chế quản lý rừng phòng hộ thì muốn thay đổi phải có báo cáo trình Hạt kiểm lâm để Hạt trình tỉnh xem xét, phê duyệt. Trường hợp thay đổi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái luật.
Ngày 8/6, Hạt kiểm lâm Đông Triều đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh về việc qua kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đồng Triều đã phát hiện, công ty này đã đồng ý cho 7 hộ dân nhận đất khoán của công ty chuyển đổi cây trồng. Đơn vị cũng xác định toàn bộ diện tích của của 7 hộ dân trên là rừng phòng hộ. |
Theo Dân trí