Xu hướng “phổ cập giáo dục đại học” trong đời sống nhân dân chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nghề trọng điểm quốc tế sẽ là giải pháp cho tình trạng này.

Thừa thầy, thiếu thợ

Sau gần 3 năm gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, Việt Nam đã có thêm rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong nước. Tuy vậy, nguồn cung nhân lực lao động lại vẫn rơi vào tình trạng không đáp ứng được cầu, thừa thầy nhưng lại thiếu thợ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tháp trình độ lao động Việt Nam đang đảo ngược. Số lao động được đào tạo để trở thành công nhân lành nghề hoặc trung cấp kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất ít, trong khi tỷ lệ số lao động học đại học lại rất cao. Tình trạng này gây ra hệ lụy, tỷ lệ sinh viên ra trường, thậm chí thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng. Song song với đó là một loạt các cơ hội việc làm không có người đảm nhận.

Nghịch lý này sinh ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu lại chính là xu hướng “phổ cập giáo dục đại học” trong đời sống nhân dân. Đại học dường như trở thành con đường bắt buộc đối với thanh thiếu niên trong quá trình lựa chọn hướng đi cuộc đời. Thế nhưng con đường bắt buộc này lại không được kiểm soát chặt chẽ, tồn đọng nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục. Từ đó sản sinh ra một bộ phận không nhỏ lao động thiếu kiến thức, hụt kỹ năng, vấn nạn thất nghiệp gia tăng cũng là điều dễ hiểu.

Để giải quyết thực trạng này, cũng như cân bằng lại tháp trình độ lao động Việt Nam, ta không thể thu hẹp lại phần đỉnh tháp phía trên – lực lượng lao động đại học và trên đại học, nhưng nhất định phải siết chặt khâu quản lý, giám sát và đánh giá để nâng cao trình độ lao động đại học và trên đại học.

Bên cạnh đó, ta cần mở rộng chân tháp phía dưới – lực lượng lao động có nền tảng nghề hoặc trung cấp kỹ thuật, cao đẳng trở lên, bằng nhiều biện pháp động viên tích cực như mở rộng quy mô đào tạo, liên kết đào tạo quốc tế hoặc đảm bảo công việc – nghề nghiệp tương lai cho học viên…

Thấu triệt được điều này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan đã đề xuất và thực thi nhiều giải pháp hữu hiệu.

Đẩy mạnh giáo dục nghề trọng điểm Quốc tế, giảm tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”

Một trong những giải pháp hàng đầu cho vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” đó là đẩy mạnh giáo dục nghề trọng điểm Quốc tế.

Trong năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phê duyệt 198 ngành, nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư theo các cấp độ Quốc tế, Khu vực ASEAN, Quốc gia. Đồng thời, Bộ cũng đã lựa chọn và thông qua 412 trường cao đẳng, trung cấp công lập, 50 trường trường cao đẳng, trung cấp tư thục để thực hiện thí điểm giáo dục nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng trong giai đoạn 2020-2025.

Các ngành, nghề trọng điểm được lựa chọn là ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề của ngành, địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia và gắn với thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trong xu thế hội nhập hiện nay; là ngành, nghề cần được duy trì, bảo tồn hoặc khó thực hiện xã hội hóa.

Các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm là những trường có thế mạnh trong đào tạo, phù hợp với danh mục ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt và nằm trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của vùng, địa phương.

Đơn cử một ví dụ về việc thực hiện nghề trọng điểm Quốc tế và trường nghề trọng điểm Quốc tế hiện nay là Trường cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương.

Từ tháng 11/2017, trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn là trường trọng điểm nghề Quốc tế về nghề Dược. Đây là cơ sở đào tạo dược sỹ trình độ cao đẳng, trung cấp duy nhất trực thuộc Bộ Y tế.


Giảng đường khu A Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương.

Giảng đường khu A Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương.

Với tôn chỉ “lấy người học là trung tâm, chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi”, học sinh, sinh viên được học tập, nghiên cứu trong môi trường năng động, thân thiện; chương trình đào tạo được cập nhật, có tính ứng dụng cao, luôn được chú trọng rèn luyện các kỹ năng thực hành…

Khi theo học các trường trọng điểm nghề Quốc tế nói chung và trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương nói riêng, học sinh, sinh viên sẽ nắm chắc nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn sau tốt nghiệp. Trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương liên tục có các hoạt động hợp tác “đầu ra”, ký kết hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp Dược uy tín trong và ngoài nước. Điển hình như Tập đoàn Merap, Công ty cổ phần Dược khoa, Công ty cổ phần quốc tế Đức Việt…


Ký kết hợp tác Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương - các doanh nghiệp.

Ký kết hợp tác Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương – các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có chính sách khuyến khích, ưu đãi với học sinh, sinh viên: cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt với tổng số tiền mỗi năm lên tới hàng tỉ đồng; học sinh, sinh viên thuộc diện chế độ chính sách được miễn giảm học phí theo quy định của nhà nước và nhiều ưu đãi khác; được học liên thông lên Đại học Dược…

Có thể thấy, việc mở rộng quy mô giáo dục nghề trọng điểm Quốc tế nói chung và việc thực hiện giáo dục nghề trọng điểm Quốc tế tại trường Cao đẳng Dược TW Hải Dương nói riêng chính là những cơ hội vàng cho thế hệ lao động tương lai của Tổ quốc, cũng là giải pháp hiệu quả, triệt để cho vấn đề lao động, nghề nghiệp và việc làm của đất nước.

Theo Dân Trí

Từ khóa : cơ hội việc làmgiáo dục đại họcnguồn cung nhân lực

Các tin liên quan đến bài viết