Năm 2020, lần đầu tiên một trường đại học Việt Nam đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng. 2 năm sau, số trường nghìn tỉ tăng 9 lần.

Với nguồn thu ngày càng tăng, Trường ĐH Văn Lang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang trong nhiều năm qua - Ảnh: V.L.

Với nguồn thu ngày càng tăng, Trường ĐH Văn Lang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang trong nhiều năm qua

Thống kê từ báo cáo Ba công khai và đề án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) năm 2023 cho thấy có 9 trường ĐH đạt doanh thu năm 2022 từ 1.000 tỉ đồng.

Trường đại học doanh thu cao nhất 1.758 tỉ đồng

Hai trường lần đầu đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng năm 2022 là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Doanh thu cao nhất năm 2022 thuộc về Trường ĐH Văn Lang 1.758 tỉ đồng, thấp nhất trong “top” trường nghìn tỉ là Trường ĐH Kinh tế quốc dân với 1.061 tỉ đồng.

Trong 9 trường có 5 trường ĐH công lập tự chủ, 4 trường tư thục.

Đồ họa: MINH GIẢNG

Đồ họa

Trong số 9 trường có doanh thu nghìn tỉ đồng năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có mức tăng doanh thu nhanh nhất. Trong vòng 5 năm, doanh thu của trường tăng hơn 4 lần. Trường ĐH này có mức xuất phát điểm thấp nhất trong số các trường nghìn tỉ với 408 tỉ đồng năm 2018 đã tăng lên 1.030 vào năm 2021.

Đáng chú ý là doanh thu năm 2022 tăng hơn 700 tỉ đồng so với năm trước đó. Đây là mức tăng khủng nhất trong số các trường.

Nhiều trường ĐH khác như FPT, Công nghệ TP.HCM, Tôn Đức Thắng cũng ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong 5 năm thống kê.

Tuy nhiên, một số trường lại có nguồn thu tăng giảm thất thường. Là trường đạt doanh thu nghìn tỉ đầu tiên vào năm 2020 nhưng doanh thu ĐH Bách khoa Hà Nội lại giảm trong 2 năm sau đó. Năm 2020 trường có doanh thu 1.141 tỉ đồng nhưng qua năm 2022 giảm còn 1.070 tỉ.

Một số trường khác cũng có sự sụt giảm thất thường doanh thu. Chẳng hạn ĐH Kinh tế TP.HCM có doanh thu 903 tỉ đồng năm 2019 nhưng bất ngờ giảm mạnh còn 575 tỉ đồng năm 2020. Tuy nhiên 2 năm sau đó doanh thu trường này tăng mạnh.

Năm 2022 doanh thu trường này tăng gần 900 tỉ đồng so với năm 2020. Trường ĐH Kinh tế quốc dân hay Trường ĐH Cần Thơ cũng ghi nhận sự giảm doanh thu năm 2022 so với 2021.

Đồ họa: MINH GIẢNG

Đồ họa

Học phí chiếm phần lớn nguồn thu

Trong khi đó, cơ cấu nguồn thu của các trường rất khác nhau. Nguồn thu của trường đại học đến từ các nguồn chính gồm ngân sách (trường công lập), học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên.

Điểm chung là phần lớn doanh thu các trường đến từ học phí. Mặc dù vậy, doanh thu từ các nguồn khác rất khác nhau. Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, học phí chiếm khoảng 90,3% tổng nguồn thu. Con số này ở ĐH Bách khoa Hà Nội là 79,5% và ĐH Kinh tế TP.HCM là 66,6%.

Với các trường tư thục, doanh thu đến từ nghiên cứu, chuyển giao và nguồn khác không đáng kể. Đơn cử như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nguồn thu học phí chiếm đến 98,2% doanh thu.

Trong khi đó, các trường công lập tự chủ vẫn nhận được ngân sách từ Nhà nước. Tuy nhiên mức ngân sách các trường nhận khác nhau. Cao nhất là Trường ĐH Cần Thơ được ngân sách hỗ trợ đến hơn 425 tỉ đồng, kế đến là ĐH Bách khoa Hà Nội, hơn 122 tỉ đồng.

Điều đáng nói là nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội lại rất thấp, chỉ có hơn 7 tỉ đồng. Trường ĐH Kinh tế quốc dân là trường có nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thấp nhất trong số 6 trường chúng tôi có số liệu thống kê với 4,1 tỉ đồng.

Trong số này, đáng chú ý là sự đa dạng từ nguồn thu của ĐH Kinh tế TP.HCM. Năm 2022, trong nguồn thu 1.443 tỉ đồng có hơn 363 tỉ đến từ hoạt động nghiên cứu – chuyển giao. Đây là trường có nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao cao nhất trong 9 trường nghìn tỉ.

Mức đóng góp của nguồn này trong 5 năm qua liên tục tăng tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Từ chỗ chỉ có 8 tỉ đồng năm 2018 đã tăng lên hơn 363 tỉ đồng năm 2022.

Dữ liệu: MINH GIẢNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dữ liệu

Chủ yếu chi cho con người

Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản nguồn chi của các trường ĐH công lập là chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% trong tổng chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo ĐH và sau ĐH.

Chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỉ trọng 7%, chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỉ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỉ trọng 10%, chi đào tạo khác chiếm tỉ trọng 25 – 26% tổng chi.

6 trường đại học nằm trong top 1.000 về nộp thuế

Tháng 10-2022, Tổng cục Thuế công bố danh sách V1000 gồm 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021. Trong số này có nhiều trường ĐH nằm trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất. Đáng chú ý là nhiều trường ĐH không nằm trong top có doanh thu cao nhất nhưng có tên trong danh sách nộp thuế nhiều nhất.

Các trường ĐH nằm trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất năm 2021 như sau: ĐH RMIT Việt Nam xếp hạng 264, Trường ĐH FPT 477, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM 483, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM 743, Trường ĐH Hoa Sen 850, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM 925.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh thu trường đại họctự chủ đại học

Các tin liên quan đến bài viết