Sóc Trăng, Đồng Tháp đang tìm cách tiêu thụ cho gần 80.000 tấn nhãn đang vào mùa thu hoạch nhưng bị khó khăn do giãn cách chống dịch Covid-19.
Học cách kinh nghiệm Bắc Giang
Thông tin từ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, nhãn là một trong các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 24.400 tấn. Thời gian thu hoạch nhãn từ tháng 7-12/2021. Ngoài ra, Đồng Tháp cũng có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn.
Quả nhãn tại hai tỉnh này đang bước vào vụ thu hoạch, song lại gặp khó trong khâu tiêu thụ và vận chuyển.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX nông sản an toàn An Hòa (An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp), cho hay, do HTX đang nằm trong vùng dịch nên nhãn khó tiêu thụ, đến nay mới giải quyết được một phần, nhưng giá chưa cao. Nhãn bán với giá tốt là 17.000-18.000 đồng/kg, còn giá bình thường là 10.000-11.000 đồng/kg. Ông mong muốn được hỗ trợ tìm đầu ra cho quả nhãn của HTX, làm sao giá tốt, đặc biệt là phải làm chính xác, có cam kết thu mua.
Bất chấp dịch Covid-19, Bắc Giang vẫn thành công trong tiêu thụ vải thiều |
Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và nông sản thuộc Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng ngày 29/7, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhãn là cây ăn quả trọng điểm tại hai địa phương, với tổng sản lượng lên tới gần 80.000 tấn, nhưng khâu tiêu thụ lại gặp khó do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Toản, Bắc Giang vừa qua cũng từng là tâm dịch mà họ vẫn có vụ vải thiều thành công. Gần 300.000 tấn vải thu hoạch trong chưa đầy hai tháng, tiêu thụ hết tại thị trường trong và ngoài nước.
Bắc Giang xây dựng kịch bản tiêu thụ rất chi tiết. Mỗi ngày, họ đều thống kê sản lượng cần tiêu thụ của từng vùng, bán đến những đâu, luồng vận chuyển như thế nào… để các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc hỗ trợ, đảm bảo thông thương.
“Đây là bài học quý. Chúng tôi rất mong trong điều kiện dịch bệnh, các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Tháp và Sóc Trăng, có thể tham khảo cách làm của Bắc Giang”, ông Toản đề xuất.
Ông gợi ý, các địa phương cần thống kê sản lượng theo từng huyện để xây dựng kịch bản tiêu thụ chi tiết. Trong đó, hệ thống vận chuyển là mắt xích quan trọng trong giá thành, lợi nhuận và thời gian bảo quản của nông sản, cần phát huy hết sức mạnh của hệ thống này.
Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ nông sản. Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này, từ đó, kiến nghị với Tổ công tác của Bộ NN-PTNT xử lý các vấn đề còn vướng mắc, ông Toản nhấn mạnh.
Hỗ trợ nông dân bán hàng online
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), cho hay, đơn vị này đã có nhiều chương trình hợp tác với Bộ NN-PTNT để giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu trên các sàn thương mại điện tử; nay đang thử nghiệm mô hình siêu thị hàng Việt trên các sàn Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt tại các địa phương.
Nhãn Sóc Trăng và Đồng Tháp đang vào mùa thu hoạch, sản lượng khoảng 80.000 tấn |
Ông đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ đào tạo để đưa cách phân phối này tới sâu hơn với bà con nông dân. Theo đó, sẽ có hai hình thức kết nối tiêu thụ nông sản: mua trực tiếp, giống như siêu thị nhập hàng của HTX; HTX đứng ra trực tiếp phân phối trên sàn thương mại điện tử.
“Nếu bà con nông dân còn bỡ ngỡ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ giống như hỗ trợ bán nho xanh ở Ninh Thuận, bơ ở Đắk Lắk, khoai lang tím ở Vĩnh Long. Chúng tôi sẽ cùng đóng gói, quảng bá các sản phẩm”, ông Hoàng chia sẻ.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ, nhận định, hướng đi của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử là rất đúng. Nhờ đó có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế.
“Hy vọng các sàn thương mại điện tử sẽ hỗ trợ cho các nhà sản xuất, không chỉ trong dịch mà còn sau này nữa”, bà Hậu nói.
Ở góc độ bán lẻ, bà Hậu cho rằng chúng ta đang sản xuất tốt nhưng vẫn còn yếu trong khâu kinh doanh, đặc biệt là thương mại điện tử. Thế nên, các nhà sản xuất cần xây dựng thêm phòng chuyên môn, vừa quảng bá hàng, vừa bán hàng trực tuyến.
Bà Lê Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh (Bưu điện Sóc Trăng), cho biết, sàn thương mại điện tử PostMart có mục tiêu là kênh hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho các nhà cung cấp, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Thủ tục tham gia sàn đơn giản, hoàn toàn miễn phí.
Bưu điện Sóc Trăng đang tiếp tục hỗ trợ các nhà cung cấp, đặc biệt nông sản khó tiêu thụ hoặc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. “Sau dịch Covid-19, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo các nhà cung cấp để họ tự thao tác trên sàn. Với ưu thế hơn 100 điểm phục vụ tại các xã ở Sóc Trăng, nhà cung cấp có thể đến bất cứ điểm nào để đăng ký”, bà Minh cho hay.
Nguồn: vietnamnet