Việc lấy ý kiến người dân về mục đích sử dụng của Rừng bán ngập Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) do Tạp chí Khoa học thời đại thực hiện đã chính thức khép lại sau gần 1 năm tổ chức. 

Theo kết quả, 75,8% ý kiến mong muốn phát triển Rừng bán ngập Bù Đốp thành Khu du lịch sinh thái; 21,2% cho rằng nên chuyển mục đích sang trồng cây công nghiệp. Trong khi đó, chỉ có 3,0% đưa ra các ý kiến chọn lựa khác.

Với tư cách là một người thích đi và từng đi nhiều điểm du lịch, một bạn đọc tên Mai Văn Trung ở TP.HCM cho rằng, nếu chọn một nơi vừa có thiên nhiên là rừng, sông nước, thú rừng, cây cỏ, chim muông vừa có văn hóa, con người thì tôi nghĩ ít có nơi nào được như Khu du lịch sinh thái Bù Đốp. Ở đây sông nước hữu tình, con người hiền hòa. Tôi đã được cắm trại trong rừng, được giao lưu với những người bản địa rất vui vẻ, nhiệt tình.

Tương tư bạn đọc tên Vân, sinh viên trường Đại học Bình Dương, thành viên của Câu lạc bộ bikerVietnam cũng bổ sung: “Nét văn hóa, những món ăn của đồng bào S’tiêng cũng gây nghiện lắm. Mấy chú kiểm lâm ở đây cũng dễ thương lắm. Bù Đốp có một tài sản rất quý giá từ thiên nhiên, nếu phá đi trồng cây công nghiệp thì tiếc lắm”.

Nhìn nhận theo một hướng khác, có một số ý kiến bạn đọc cũng cho rằng, muốn Khu du lịch sinh thái Bù Đốp phát triển thì tỉnh và địa phương cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. “Là một người con Bình Phước, tôi cũng rất mong địa phương phát triển địa điểm này thành Khu du lịch sinh thái để người dân trong tỉnh có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, các hoạt động trên du lịch sinh thái này chưa đa dạng lắm. Leo lên thuyền chạy một vòng sông nước, lên đảo ăn uống, chụp vài tấm hình cho vui rồi ra về. Muốn giữ chân khách thì phải đầu tư nhiều hơn nữa” – bạn Lê Trọng Tấn (huyện Bù Đốp) chia sẻ.

Cảnh quan thiên nhiên hữu tình của rừng bán ngập Bù Đốp sẽ tạo nên một sức sống mãnh liệt, thu hút du khách
Cảnh quan thiên nhiên hữu tình của rừng bán ngập Bù Đốp sẽ tạo nên một sức sống mãnh liệt, thu hút du khách. Ảnh: Diệc Quyền

Trao đổi thêm với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng cho rằng, kết quả thăm dò ý kiến người dân của Tạp chí Khoa học thời đại cũng tương đồng với mong muốn của lãnh đạo và nhân dân địa phương đối với mục đích sử dụng Rừng bán ngâp Bù Đốp. Ông Dũng khẳng định, Khu du lịch sinh thái trên sông Đắk Huýt nối liền với lòng hồ thủy điện Cần Đơn sẽ là nguồn thu mang tính bền vững của huyện Bù Đốp trong tương lai gần và cả tương lai xa. Điểm nhấn của khu du lịch chính là người dân địa phương, đồng bào bản địa cùng làm du lịch. Mỗi gia đình là một tuyên truyền viên đồng thời là chủ thể của khu du lịch. Bù Đốp đã và đang mời gọi các nhà làm du lịch đầu tư vào khu du lịch này để tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp không khói của huyện. Bên cạnh đó, Bù Đốp sẽ quy hoạch những vườn cây ăn trái mang tính đặc hữu của huyện do chính người dân địa phương trồng để phục vụ du khách. Ngay cả trong rừng, Bù Đốp cũng phải trồng các loại cây ăn trái để mời gọi muông thú về đây trú ngụ nhằm phục vụ du khách và tạo tính đa dạng sinh học cho rừng phát triển bền vững. Đặc biệt ở Bù Đốp còn có món cá linh đá rất ngon. Đây là đặc sản chỉ có ở Bù Đốp.

Hôm nay (19/9/2017), Tòa soạn sẽ dừng lấy ý kiến độc giả về cuộc thăm dò với chủ đề nói trên. Chân thành cảm ơn quý độc giả đã nhiệt tình tham gia, ủng hộ hoạt động này. Tạp chí Khoa học thời đại tiếp tục mở ra cuộc thăm dò mới, nội dung liên quan đến việc lấy ý kiến đổi tên cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bạn đọc có thể đóng góp ý kiến của mình bằng việc đánh dấu vào nội dung đã được đưa ra hoặc có thể gửi trực tiếp ý kiến khác về tòa soạn qua hộp thư điện tử: toasoan@khoahocthoidai.vn. Đường dây nóng: 0888.63.7272.

Những nội dung đóng góp sẽ được Ban biên tập tổng hợp để xây dựng các bài viết cụ thể. Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc.

Từ khóa : Khu du lịch sinh tháiRừng bán ngập Bù Đốp

Các tin liên quan đến bài viết