Hôm nay (14/3), TAND TP Hà Nội đưa 7 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô và Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Các bị cáo gồm: Đỗ Quốc Hùng (nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô), Lưu Thị Bích Thủy (nguyên Phó Giám đốc), Phạm Anh Tài (nguyên Trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Văn Hà (nguyên Phó phòng tín dụng), Lại Minh Ngọc (nguyên Trưởng phòng thẩm định), Lê Vũ Thanh (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và Đỗ Xuân Khoan (nguyên Phó phòng tín dụng BIDV Tây Nam Quảng Ninh).
Theo cáo buộc, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (Công ty Kenmark) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, do ông Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ) là Giám đốc và đại diện pháp luật.
Bị cáo Đỗ Quốc Hùng.
Công ty này được thành lập để thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark (Hải Dương), với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Để có tiền thực hiện dự án, tháng 2/2008, Công ty Kenmark đã ký hợp đồng tín dụng vay hơn 67 triệu USD của các ngân hàng đồng tài trợ là SHB, HHB và BIDV, theo tỷ lệ cam kết cho vay như sau:
BIDV Chi nhánh Thành Đô cho vay hơn 39 triệu USD, SHB Chi nhánh Quảng Ninh: hơn 18 triệu USD và Habubank Chi nhánh Kinh Bắc: 10 triệu USD (nay SHB Chi nhánh Quảng Ninh và Habubank Chi nhánh Kinh Bắc sáp nhập thành SHB Chi nhánh Kinh Bắc).
Từ tháng 2/2008- 5/2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng. Điều đáng nói, đến tháng 6/2010, Công ty Kenmark có thông báo về việc tạm dừng hoạt động và người đại diện pháp luật của công ty này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ lớn.
Các bị cáo tại tòa.
Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Kenmark 100% vốn nước ngoài, phụ thuộc vào chủ sở hữu là Công ty Cheemaster. Tài liệu do Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) cung cấp thể hiện, Công ty Cheermaster có chỉ số rủi ro cao; tình trạng hoạt động: Không tồn tại văn phòng hoạt động; Giấy phép hoạt động của công ty được sử dụng với mục đích miễn trừ thuế.
Hồ sơ của Công ty Kenmark không đảm bảo điều kiện vay vốn, năng lực tài chính không đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết…, nhưng Tổ thẩm định Dự án Việt Hòa – Kenmark vẫn báo cáo kết quả thẩm định dự án đầu tư, đánh giá Công ty Kenmark đáp ứng được các yêu cầu cho vay theo quy định, và đề xuất cho công ty này vay tối đa hơn 67 triệu USD.
Sau khi được cựu TGĐ BIDV phê duyệt cho vay, tháng 2/2008, ông Đỗ Quốc Hùng cùng Nguyễn Văn Thắng (khi đó là Giám đốc SHB Quảng Ninh) và bà Hoàng Thu Huyền (Giám đốc HBB Bắc Ninh) đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Kenmark vay hơn 67 triệu USD, trong đó BIDV Thành Đô cho vay hơn 39 triệu USD (57,8%), SHB Quảng Ninh cho vay hơn 18 triệu USD (27,4%) và HBB Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD (14,8%).
Từ ngày 25/2/2008- 18/5/2010, các ngân hàng đồng tài trợ đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng, đạt trên 80% giá trị hợp đồng.
Nợ không thu hồi được hơn 181 tỷ đồng
Cáo buộc cho rằng, việc các ngân hàng giải ngân như trên là không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của BIDV, vì đến cuối năm 2009, Kenmark không phát sinh thêm doanh nghiệp nào ký hợp đồng thuê nhà xưởng. Mặt khác, Công ty Kenmark mới cơ bản hoàn thành đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật của 13/27 nhà xưởng đã giải ngân khi dự án không đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay…
Đến tháng 4/2010, các ngân hàng đồng tài trợ đã thu nợ từ Công ty Kenmark hơn 2,7 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng nợ gốc từ tiền bán đấu giá tài sản đảm bảo của công ty được hơn 766 tỷ đồng, tương đương hơn 33 triệu USD.
Dư nợ gốc của Kenmark đối với BIDV còn hơn 15 triệu USD; SHB là hơn 6 triệu USD không có khả năng thu hồi vì biện pháp bảo đảm còn lại là bảo lãnh vay vốn của Công ty Kenmark Industrial, Đài Loan không thực hiện được, do công ty này đã ngừng hoạt động từ tháng 5/2010 và được Tòa án Đài Loan tuyên bố phá sản từ tháng 3/2018.
Đến nay, số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 Chi nhánh BIDV tương đương hơn 181 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, hành vi của các bị cáo Hùng, Thủy, Hà, Ngọc, Tài đã gây thiệt hại cho BIDV Thành Đô khoản tiền giải ngân chưa thu hồi được là hơn 76 tỷ đồng. Bị cáo Thanh, Khoan gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng cho BIDV Tây Nam Quảng Ninh (là khoản tiền giải ngân chưa thu hồi).
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đỗ Quốc Hùng trình bày: Việc bị cáo cùng đồng nghiệp làm cũng chỉ vì mục tiêu chung là phát triển khách hàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Quá trình thực hiện, bị cáo có sơ xuất do năng lực hạn chế, chưa đánh giá hết được tình hình. Với vai trò giám đốc chi nhánh, bị cáo nhận thấy mình có lỗi.
Nguồn: vietnamnet