Nguyễn Trung Kiên nói dối bản thân đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ cấp cao, có khả năng giúp mua nhà giá rẻ, xin việc, chạy dự án… để lừa chiếm đoạt 7,2 tỉ đồng của 6 người.
Ngày 13-7, TAND Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Kiên (37 tuổi, trú tại TP Hải Dương) 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự. Tòa buộc Kiên phải bồi thường toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính cho bị hại.
Cáo trạng xác định Kiên không có nghề nghiệp ổn định. Để có tiền tiêu xài, Kiên đã dùng thủ đoạn trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ quen biết đưa ra thông tin gian dối rằng bản thân Kiên đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, công tác tại Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có nhiều mối quan hệ cấp cao để thực hiện 6 vụ lừa đảo trong 2 năm (từ 2017-2019).
Vụ thứ nhất, tháng 9-2019, Kiên nhận mua nhà giá rẻ giúp bà P.T.H. (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), hứa hẹn có nhà sau 10 ngày, chiếm đoạt 800 triệu đồng tiền đặt cọc mua nhà.
Vụ thứ hai, tháng 3-2019, Kiên nói với ông N.H.D. (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) có khả năng xin đưa một mảnh đất ở Lào Cai của con gái ông D. ra khỏi diện quy hoạch để chị này có thể xây khách sạn. Kiên sau đó nhận 1,65 tỉ đồng của ông D. để làm chi phí đi “quan hệ” rồi chiếm đoạt.
Vụ thứ ba, tháng 1-2019, Kiên chiếm đoạt 1,23 tỉ đồng khi hứa giúp mua tro bay, xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho chị L.T.T. (ở Điện Biên).
Vụ thứ tư, năm 2017, Kiên lừa 500 triệu đồng của ông N.T.H. (ở Hải Dương) khi hứa xin việc cho con trai của ông này vào làm việc tại cảng hàng không Nội Bài.
Vụ thứ năm, giữa năm 2019, Kiên nhận 1,15 tỉ đồng của ông N.Đ.H. (ở Đắk Lắk) để “chạy” cho công ty xây dựng của ông H. trúng gói thầu cải tạo đường bộ, tuy nhiên không thực hiện như cam kết.
Vụ thứ sáu, khoảng cuối năm 2019, Kiên nhận 1,9 tỉ đồng của chị T.T.T. (ở Hà Đông, Hà Nội) để mua đất xây trường dạy nghề. Kiên sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.
Đến tháng 2-2020, Kiên bị bắt tạm giam sau khi nhiều bị hại đồng loạt gửi đơn tố cáo đến công an về hành vi lừa đảo.
Tại tòa, Kiên thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX truy vấn “số tiền hơn 7 tỉ đồng bị cáo dùng làm gì mà có thể tiêu hết trong vòng chưa đầy 1 năm?”. Kiên đáp: “Bị cáo làm ăn, chơi bời nợ nần quá nhiều nên toàn bộ số tiền đều đi đem trả nợ”.
Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định các cơ quan được Kiên đề cập trong các vụ lừa đảo, gồm UBND huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, cảng hàng không Nội Bài và Văn phòng Chính phủ, đều cho biết chưa từng làm việc, giao dịch hay có nhân viên nào như lý lịch bị cáo Nguyễn Trung Kiên.
Nguồn: tuoitre.vn