Giá xăng dầu hoàn toàn có thể xuống mức thấp hơn hiện nay từ 2.000-4000 đồng/lít nếu không bị trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Giá xăng dầu lỡ cơ hội giảm thêm

Kỳ điều hành ngày 22/8, giá xăng giữ nguyên còn giá dầu tăng 850 đồng/lít. Như vậy, sau 5 kỳ giảm giá, giá xăng đã không có việc giảm lần thứ 6.

Thực tế, cơ hội giảm giá xăng lần thứ 6 liên tiếp là có. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít. Dầu diesel là 250 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng hoàn toàn có cơ hội giảm giá lần thứ 6 nếu không bị trích tiền vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Giá xăng dầu bị kiềm chế mức giảm do phải dành tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá.

Song, cơ quan quản lý có lý do để làm điều này. Bởi các kỳ giá xăng dầu tăng cao, Quỹ bình ổn giá đã phải xả mạnh để kiểm soát đà tăng của giá xăng. Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước nhiều thời điểm tăng chậm hơn mức tăng của giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Mức xả quỹ nhiều và liên tục khiến Quỹ bình ổn giá tại nhiều DN đầu mối lớn đã bị âm nặng. Do đó, khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng chững lại và giảm, thì cơ quan quản lý phải trích lập lại quỹ  thay vì giảm giá xăng dầu.

Nhưng việc trích lập Quỹ đồng nghĩa với việc giá xăng dầu sẽ gặp cảnh ‘giảm chậm’ hoặc ‘không giảm’ cho dù giá thế giới giảm sâu. Lịch sử điều hành giá xăng dầu không ít lần chứng minh điều đó.

Thực tế, tính tổng cộng 6 kỳ điều hành gần đây, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 3.951 đồng/lít; xăng RON95 là 3.993 đồng/lít; dầu diesel là 2.150 đồng/lít.

Điều đó có nghĩa, nếu không trích lập cho Quỹ bình ổn giá, thì giá xăng E5 hiện nay sẽ có thể ở mức giá 19.774 đồng/lít; xăng RON95 có giá 20.676 đồng/lít; dầu diesel có giá 21.609 đồng/lít.

Tất nhiên, tính toán này chỉ để cho thấy Quỹ bình ổn giá tác động nhiều đến mức tăng giảm của giá xăng dầu trong nước. Còn khi vẫn duy trì Quỹ bình ổn, thì liên Bộ phải trích lập quỹ khi các kỳ trước đó đã xả rất mạnh để kiềm chế mức tăng của giá xăng.

Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn nhiều công cụ điều tiết giá

Trong tương lai, việc tính toán bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết để giá xăng dầu diễn biến theo thị trường.

Tại dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá vì không còn phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, điều tiết giá hiện nay, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng doanh nghiệp tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối ngày càng tăng, hiệu quả ngày càng được cải thiện và thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu; tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Tài chính cho rằng: Thời điểm này là thích hợp để xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường tại văn bản số 439/HHXDVN-VP của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng nhất trí xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá.

Góp ý dự thảo Luật giá (sửa đổi), Bộ Công Thương kiến nghị bỏ mặt hàng xăng dầu khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và chỉ để mặt hàng này vào danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá (nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu).

Hồi tháng 3/2022, trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng cho rằng, trong dài hạn Chính phủ cần tính đến những biện pháp căn cơ, dài hơi để điều chỉnh giá xăng dầu. Đó là để thị trường phát triển hơn theo quy luật thị trường. Muốn vậy, chúng ta cần điều hành bằng thuế, phí, dự trữ quốc gia.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược, tách dự trữ quốc ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối, không gửi xăng dầu ở doanh nghiệp, và can thiệp bằng thuế, phí,… là các biện pháp có thể áp dụng sau khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Điều này cũng là để tránh tình trạng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải hai lần giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn (tức là chấp nhận giảm thu ngân sách) để hạ nhiệt giá xăng, trong khi cơ quan điều hành lại trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì dành dư địa giảm giá.

Chi tiết mức trích lập Quỹ bình ổn giá trong 6 kỳ điều hành gần nhất

1/7: Trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 800 đồng/kg; không trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 và dầu diesel (như kỳ trước).

11/7: trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

21/7: Trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít và dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

1/8: Trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 850 đồng/lít, dầu diesel ở mức 450 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg.

11/8: Trích lập quỹ đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 700 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít, dầu diesel ở mức 350 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg.

22/8: Trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít. Dầu diesel là 250 đồng/lít.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giá xănggiá xăng dầuQuỹ Bình ổn

Các tin liên quan đến bài viết