Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020. Trong chương trình này có Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 6.968 tỷ đồng.

MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo tổng thể cho 20 di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; hỗ trợ chống xuống cấp khoảng 400 di tích cấp quốc gia. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã và sẽ được UNESCO ghi danh trong giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đại diện của nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp; thực hiện các cam kết trong các hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; hỗ trợ phục dựng, bảo tồn lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thi giã gạo – nét đẹp văn hóa của đồng bào S’tiêng ở Bom Bo (Bù Đăng) – Ảnh: S.H

Bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống để khai thác phát triển du lịch văn hóa; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người.

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN

Đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể cho 20 di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu; tiếp tục đầu tư thực hiện các dự án tu bổ di tích dở dang từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015. Đầu tư tu bổ các di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu, khu căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Hỗ trợ chống xuống cấp tu bổ cấp thiết khoảng 400 di tích cấp quốc gia. Kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia chỉ mang tính chất hỗ trợ, cùng với nguồn vốn của địa phương, xã hội hóa để sửa chữa, bảo quản và gia cố các hạng mục nhỏ của di tích bị xuống cấp. Hỗ trợ đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa mang tính tôn vinh, có ý nghĩa chính trị; hỗ trợ đầu tư 5 khu lưu niệm, nhà lưu niệm các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.

Thực hiện cam kết quốc tế về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hỗ trợ thực hiện 80 dự án sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Xây dựng danh mục kiểm kê quốc gia và thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo địa giới hành chính và theo tộc người; xác định danh mục và tập trung nguồn lực sưu tầm lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia.

Bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người. Phục dựng, bảo tồn 20 lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về công tác bảo tàng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. 

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : bảo tồn di sảnChính phủdi sảndi sản văn hóa

Các tin liên quan đến bài viết