Việc nhà mạng Viettel phát triển thành công mạng 5G với tốc độ đường truyền lên tới 4,7Gb/s đã tạo ra những tiềm năng ứng dụng khổng lồ, có thể làm thay đổi cuộc sống người Việt Nam.

Tiềm năng ứng dụng bao trùm của 5G

Trong báo cáo mới công bố gần đây, Liên Hợp Quốc vẽ lên một bức tranh đáng báo động về biến đổi khí hậu, cảnh báo nhiệt độ đang tăng nhanh hơn dự kiến. Các quốc gia cũng đang đổ hàng tỷ USD vào các dự án xanh nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhiên liệu xanh không phải giải pháp duy nhất.

Dự luật cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, có đề cập tới vai trò của 5G trong việc làm xanh trái đất. Các nhà hoạch định chính sách tin rằng, 5G sẽ sớm chứng minh được vai trò trong việc làm xanh môi trường sống.

5G - nền tảng cho những ứng dụng ngoài sức tưởng tượng
Xe tự hành “Make in Vietnam” sẽ được điều khiển bởi hạ tầng 5G với tốc độ “khủng” trong tương lai không xa

Ông Erik Ekudden – Giám đốc công nghệ của Ericsson, nói rằng: “5G có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần to lớn trong giảm chi phí, nâng cao hiệu quả của sử dụng năng lượng, giảm phát thải, chất thải qua đó giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Bằng cách kết nối các thiết bị từ xa thông qua cảm biến Internet vạn vật (IoT), thu thập và chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực, các động cơ vận hành dưới sự giám sát của trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, 5G sẽ giúp tạo ra những thay đổi chiến lược trong việc hạn chế tác động tới môi trường.

Một báo cáo trước đó của Liên Hợp Quốc ước tính rằng, nếu có thể kết hợp lại với nhau, các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến trên nền tảng 5G có thể giảm thiểu 20% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.

Những ví dụ này cho thấy, công nghệ 5G hàng đầu thế giới có thể mang lại những lợi ích mà đại đa số nhân loại vẫn chưa thể hình dung ra. Đặc biệt, người Việt Nam hiện có cơ hội bắt kịp những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực công nghệ so với những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Việt Nam sẽ không còn bị bỏ lại phía sau về công nghệ kết nối

Trung tuần tháng 9/2021, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng Tập đoàn Ericsson và Qualcomm Technologies đã hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm và thiết lập thành công đường truyền dữ liệu 5G với tốc độ 4,7 Gb/s.

Với tốc độ gấp 40 lần 4G và nhanh hơn 2 lần so với 5G hiện hữu, Viettel trở thành một trong những nhà mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á và nằm trong top đầu của thế giới.

5G - nền tảng cho những ứng dụng ngoài sức tưởng tượng
 Thành công với tốc độ 5G “khủng” 4,7 Gb/s, Viettel mở ra một thế giới mới cho việc vận hành những ứng dụng công nghệ 4.0

Không chỉ khẳng định năng lực của người Việt, đường truyền tốc độ “khủng” còn mở ra những cơ hội mới cho việc tạo ra các ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vốn đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu. Đây cũng chính là nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh….

Chia sẻ về mạng 5G “siêu khủng” Make in Vietnam, ông Denis Brunetti – Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhấn mạnh, đây là một kết quả ấn tượng, tạo tiền đề cho các ứng dụng tiên tiến về 5G phát triển tại Việt Nam trong những năm tới.

“Khi đạt được tốc độ này, ở khía cạnh người dùng, chúng ta có thể tận hưởng nhiều trải nghiệm sống động như Cloud gaming – dịch vụ chơi game trên nền tảng đám mây hay xem các sự kiện thể thao ở sân vận động với toàn bộ trải nghiệm 360 độ như thật trong thế giới ảo”, ông Brunetti nói.

Đối với các doanh nghiệp, tốc độ 5G của Viettel có thể đẩy nhanh việc áp dụng robot điều khiển bằng đám mây hoặc robot điều khiển từ xa tại các nhà máy. Thậm chí, các nhà máy có thể áp dụng robot điều khiển bằng đám mây với robot không dây để sản xuất.

Với một mạng kết nối có tốc độ cao và độ trễ thấp, các phương tiện tự hành, giao thông tự động, chăm sóc sức khỏe từ xa hay nhiều trường hợp khác nữa đều có cơ hội để hình thành và phát triển. Đây cũng là những công nghệ mà những quốc gia phát triển nhất thế giới đang chạy đua để phát triển, ứng dụng và Việt Nam đang có cơ hội tốt để bắt kịp thế giới.

“Việt Nam đang lập kế hoạch để đảm bảo triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ đúng cách. Việt Nam có nhiều lợi thế vì nhân lực sáng tạo, hiểu biết công nghệ, ham học hỏi”, ông Brunetti nhận định.

So sánh 5G với việc xây dựng đường xá, đường hầm, cầu, sân bay và cảng biển trước đây khi đất nước xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Brunetti tin rằng, kết nối không dây tốc độ cao tạo tiền đề cho nhiều ngành công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt phát triển.

“Thông qua đó, nhiều mô hình doanh nghiệp mới xuất hiện. Ví dụ như 20, 30 năm trước, không ai có thể dự đoán được những cơ hội mà các công ty như Facebook, Airbnb, Twitter mang lại. Như vậy thì chúng ta cũng không thể dự đoán những gì công nghệ mới, tự động hóa sẽ đem đến trong tương lai”, ông Brunetti lấy ví dụ khi đề cập đến những tiềm năng to lớn mà 5G tốc độ cao có thể mang lại cho Việt Nam trong tương lai gần.

Đây cũng là cách 5G, công nghệ Viettel đang đóng vai trò tiên phong, góp phần làm thay đổi cuộc sống người Việt theo hướng tốt đẹp hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : 5Gbảo vệ môi trườngchuyển đổi sốViettel

Các tin liên quan đến bài viết