Xét theo nhiều phương diện, Trung Quốc không chỉ đi trước mà còn bỏ xa Mỹ khi nói tới 5G.  

5G của Mỹ đang ở đâu so với Trung Quốc?

Hết năm 2020, Trung Quốc ước tính có 690.000 trạm gốc 5G

Trung Quốc có nhiều thuê bao hơn Mỹ, không chỉ xét về số lượng mà còn xét theo tỉ lệ đầu người. Trung Quốc còn bán nhiều smartphone 5G hơn với mức giá thấp hơn và phủ sóng rộng hơn. Tốc độ kết nối 5G trung bình cũng nhanh hơn Mỹ.

Nói đến các ứng dụng tận dụng được khả năng và tốc độ của 5G, Trung Quốc lại không cách quá xa Mỹ. Với cả hai nước, những ứng dụng 5G thay đổi cuộc sống như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, nhà máy tự động… vẫn còn lâu mới trở nên phổ biến. Dù vậy, nhờ lợi thế khi triển khai 5G, Trung Quốc có thể tiếp tục dẫn trước Mỹ trong lĩnh vực này.

Xét tới quy mô lợi ích 5G mang đến cho khách hàng và ngành công nghiệp, nhà phân tích viễn thông Edison Lee của ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng, không có nhiều khác biệt giữa hai nước. Tuy nhiên, “nếu tính toán đến tiến độ xây dựng mạng lưới, Trung Quốc đã đi khá xa”.

Cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ có ước tính 690.000 trạm gốc 5G – các hộp truyền tín hiệu 5G đến người dùng – khắp cả nước, còn Mỹ chỉ có 50.000, theo Handel Jones, CEO hãng nghiên cứu International Business Strategies. Điều đó giúp các hãng smartphone Trung Quốc có khởi đầu thuận lợi để tung ra điện thoại 5G. Apple mới chỉ giới thiệu iPhone 5G vào tháng trước. Người dùng Mỹ chỉ có 16 loại smartphone 5G để lựa chọn, còn tại Trung Quốc là 86, theo tính toán của Canalys. Tại Trung Quốc, điện thoại 5G cũng có giá rẻ hơn, trung bình 458 USD, so với Mỹ là 1.079 USD trong quý II.

Theo các chuyên gia, thành tựu trong triển khai và ứng dụng 5G của Trung Quốc phần lớn nhờ vào chính phủ đặt ra các mục tiêu lớn về 5G cho ba nhà mạng quốc doanh. Huawei, ZTE đều chiếm thị phần lớn trên thị trường thiết bị 5G. Cách tiếp cận từ trên xuống dẫn tới phiên bản 5G thống nhất hơn trên cả nước so với Mỹ và có tốc độ tương đương, theo Wayne Lam, Giám đốc nghiên cứu CCS Insight.

Ngược lại, 5G tại Mỹ phân mảnh và tốc độ không đồng đều. Chẳng hạn, mạng 5G nhanh nhất mmWave chỉ có mặt tại một số điểm nóng như sân vận động và không dành cho phần đông như tại Trung Quốc.

Để kích thích phát triển dịch vụ tận dụng sức mạnh 5G, Trung Quốc cũng thử nghiệm nhiều ứng dụng khác nhau và khuyến khích các ngành cùng suy nghĩ về sử dụng 5G. Chẳng hạn, Huawei đã tiến hành một số thử nghiệm về phẫu thuật từ xa nhờ kết nối 5G trong Covid-19. Tháng trước, công ty năng lượng Sơn Đông thông báo ra mắt mạng 5G để phát tín hiệu xuống các mỏ than ngầm.

Dù vậy, những ứng dụng này vẫn đang trong giai đoạn “sơ sinh” và không rõ có đủ kinh tế để ứng dụng rộng rãi hay không.

Bản thân mạng 5G Trung Quốc cũng có những thiếu sót riêng. Tại một sự kiện tổ chức trong nước hồi tháng trước, Giám đốc bộ phận nhà mạng tại Huawei Ryan Ding cho biết, 5G mới chỉ phủ sóng 8% dân số Trung Quốc, còn Hàn Quốc là 25%. Ông còn nói rằng mạng 5G nước này chậm hơn Hàn Quốc, Thụy Sỹ và một số nước khác.

Ông Ding nhắc tới trường hợp smartphone Trung Quốc hiển thị logo 5G trên màn hình dù chỉ kết nối 4G và thường xuyên chuyển đổi giữa mạng 4G và 5G. Theo ông, tại thời điểm hiện tại, Trung Quốc xây mạng 5G lớn nhất thế giới, nhưng nếu so sánh với các nước như Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc vẫn còn phải cải thiện nhiều.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Mỹtrạm gốc 5Gtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết