Gần 50 triệu người sống phụ thuộc vào nghề cá ở hạ lưu sông Mekong đang rơi vào tình trạng khủng hoảng mất nguồn cá do khai thác quá mức và đập thủy điện ‘mọc’ tràn lan.
Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong (MRC), sông Mekong mang lại khoảng 2,3 triệu tấn cá mỗi năm, trở thành nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới.
Thủy sản ở bốn nước thành viên MRC (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan) ước tính trị giá 11 tỉ USD/năm. Nếu kể cả các trang trại nuôi cá, tổng trị giá lên đến 17 tỉ USD/năm.
Theo báo SCMP, từng đầy ắp cá nhưng giờ đây dòng sông Mekong “đầy ắp” những ngư dân bỏ nghề vì ngày càng có nhiều đập thủy điện được xây dựng trên sông.
Lào có 2 đập trên sông Mekong, dự kiến xây thêm 7 đập nữa. Ở thượng nguồn, Trung Quốc có 11 đập hiện đang hoạt động.
Chuyên gia môi trường, tiến sĩ Chainarong Settachua từ Đại học Maha Sarakham ở vùng đông bắc Isaan của Thái Lan than thở: “Dòng sông Mekong của chúng ta đang chết dần. Thiệt hại về cá của Thái Lan có thể lên đến hơn 70%, so với sản lượng đánh bắt trước đây”.
Anh Prayoon Sean-ae, một ngư dân ở tỉnh Chiang Khan, cho biết tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi Chính phủ Lào thúc đẩy xây dựng dự án đập Sanakham, chỉ cách biên giới Thái Lan 2km.
Tuần này, trong các cuộc phỏng vấn của báo SCMP, ngư dân của các tỉnh Chiang Khan và Nong Khai cho biết họ bị mất kế sinh nhai. “Hiện nay chỉ có 20 trong số 100 ngư dân vẫn đang làm việc ở làng chài Ban Muang”, ông Chaiwat Parakun, phó trưởng làng và là cựu ngư dân từ Ban Muang ở tỉnh Nong Khai, cho biết.
Tại tỉnh Chiang Khan, nơi sông Mekong đánh dấu biên giới giữa Thái Lan và Lào, ngư dân Prayoon Saen-ae cho biết lý do chính khiến họ có quá ít cá là do đập Xayaburi dài 314km về phía thượng nguồn mới xây dựng xong.
Anh Prayoon nói trước khi con đập bắt đầu hoạt động, một ngư dân có thể thu được 10kg cá mỗi ngày, nhưng bây giờ “may mắn lắm mới kiếm được 4-5kg mỗi tuần, và một số tuần thì không có gì”.
Đập Xayaburi 1.285 megawatt, được hoàn thành năm 2019. Đây là đập đầu tiên được xây dựng trên hạ lưu sông Mekong. Đập được 4 ngân hàng lớn nhất của Thái Lan tài trợ và Tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan xây dựng. Khoảng 95% điện năng mà đập này tạo ra được bán cho Thái Lan.
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vào năm 2011 đã cảnh báo dự án Xayaburi sẽ trở thành “một trong những đập có khả năng phá hủy nghiêm trọng nhất thế giới, vì tác động của nó đối với nghề cá của hàng chục triệu người”.
Hai dự án đập nữa dự kiến được tiến hành vào năm 2022 dựa trên quyết định của Bộ Năng lượng Lào, đó là đập Pak Lay và Luang Prabang ở hạ lưu sông Mekong. Cả 3 quốc gia trong MRC là Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều kêu gọi đình chỉ xây dựng các đập này.
Nguồn: tuoitre.vn