Từ 12/3, thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tại 5 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận. Từ 6/2020 sẽ triển khai toàn quốc.
Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay làm việc với các bộ, ngành về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nộp thuế cá nhân trực tuyến từ 20/2
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, việc thanh toán trực tuyến đến nay đã hoàn thành tích hợp với Vietcombank và VNPTpay; tích hợp triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến tại An Giang đối với luồng thanh toán phí, lệ phí ngay khi nộp hồ sơ trực tuyến; thực hiện kết nối thử nghiệm với Cổng Dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ông Ngô Hải Phan
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phải điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy trình, nghiệp vụ nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện trong quý 1/2020. Hiện, số lượng các ngân hàng và trung gian thanh toán hoàn thành việc tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia còn thấp…
Về tích hợp, cung cấp dịch vụ kê khai, nộp thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông Phan cho biết đã được tích hợp ngay từ khi khai trương ngày 9/12/2019. Hiện nay, các bên đang phối hợp để xử lý vấn đề kỹ thuật liên quan đến vướng mắc về máy chủ bảo mật, phấn đấu hoàn thành để có thể đưa vào triển khai việc tra cứu, nộp thuế cá nhân trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ 20/2.
Về tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, ông Phan cho hay, hiện nay, các bên về cơ bản đã thống nhất luồng quy trình nghiệp vụ; nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an với Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của CSGT.
Trên cơ sở kết quả thống nhất giữa các bên, Bộ Công an và VPCP đang xây dựng, hoàn thiện các hệ thống tương ứng của các bên.
Cục CSGT kiến nghị, giai đoạn 1 từ 12/3 triển khai thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận; giai đoạn 2 từ 6/2020 sẽ triển khai toàn quốc.
Bộ trưởng ra lệnh là dịch vụ lên mạng được ngay
Báo cáo với Tổ công tác về việc triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX); thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia, Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, đến hôm nay đã có thể tự tin báo cáo “giờ chỉ cần Bộ trưởng ra lệnh là dịch vụ lên mạng được ngay”.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, Cục CSGT và Bộ Công an đều nhận thức được điều này nên cũng rất quyết tâm. Vì vậy, ngay từ mùng 6 Tết, Cục CSGT đã cùng sát cánh với VPCP triển khai nhiệm vụ này. Đến 9h tối qua thì cơ bản hoàn thành về quy trình nghiệp vụ.
Để triển khai các dịch vụ trên, ông Đức cho biết trước kia xác định phải sửa 2 thông tư liên quan đến lệ phí trước bạ và quy trình tuần tra kiểm soát, nhưng nếu sửa đổi theo quy trình phải gửi xin ý kiến các bộ ngành địa phương.
Vì vậy, Cục CSGT tham mưu cho Bộ Công an chỉ cần một văn bản chỉ đạo của Bộ, thực hiện theo Nghị định 11 để biên lai điện tử cũng được sử dụng như biên lai giấy.
Về lộ trình thực hiện, ông Đức đề xuất, giai đoạn 1 nên triển khai thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận. “5 địa phương này có tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính chiếm một nửa của cả nước”, ông Đức nói. Sau khi thí điểm, Cục CSGT sẽ triển khai trên toàn quốc.
Riêng với thủ tục thu lệ phí trước bạ, lãnh đạo Cục CSGT đề nghị giai đoạn 1 triển khai ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vì tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông ở đây là lớn nhất.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Thiếu tướng Đức lý giải rõ hơn thắc mắc của dư luận về việc “tại sao sau khi áp dụng nghị định 100, tỷ lệ cấp, đổi GPLX lại rất lớn? Tỷ lệ CSGT xử phạt nghiêm, thu bằng là có, nhưng cũng không loại trừ trường hợp báo mất để xin cấp GPLX thứ 2 và giải pháp của Cục CSGT trong trường hợp này.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức giải thích: “Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có sự kết nối. Trước đây một lái xe có thể có 2-3 GPLX, có khi họ báo mất để được cấp lại, hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp ở địa phương khác, nhưng giờ đã có kết nối rất hiệu quả, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra được ngay”. Theo ông Đức, chính sự kết nối này đã khắc phục được tình trạng trên.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý những vấn đề về gian lận, dối trá, khai man để được cấp lại GPLX sẽ được xử lý rất nghiêm. Việc tăng tỷ lệ cấp, đổi GPLX là nhu cầu thực tế chứ không phải do khai man, báo mất. Cơ quan nhà nước đã phát hiện ra và khắc phục vấn đề này bằng kết nối chia sẻ giữa các cơ quan.
Thu Hằng