“Tôi không bất ngờ chuyện quấy rối tình dục trong trường học. Những nơi chúng ta nghĩ an toàn nhất lại thường tiềm ẩn nguy cơ” – tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho biết.
Nhận biết sớm được những báo động này, học sinh hay trẻ em sẽ chủ động phòng ngừa được những rủi ro quấy rối tình dục, nhất là trong môi trường học đường.
Chỉ trong tháng 2-2022, liên tiếp những vụ lùm xùm liên quan tới chủ đề quấy rối tình dục trong nhà trường.
Một du học sinh được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những gương mặt trẻ nổi bật (Under 30) bị tố đã từng quấy rối tình dục khi còn là học sinh tại TP.HCM.
Ở Thái Bình, một thầy giáo bị công an tạm giữ vì nghi vấn xâm hại học sinh lớp 4. Ở Bình Dương, phụ huynh đã tố cáo một nam giáo viên xâm hại con mình học lớp 2.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ xã hội học – chuyên gia tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, tác giả của một số quyển sách về chủ đề này như Kỹ năng phòng vệ dành cho học sinh (2016) và Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con (2017), cho rằng trước hết học sinh cần nắm được một số nguyên tắc để có thể tự bảo vệ bản thân.
Nơi dễ chủ quan
* Trước những thông tin liên quan đến quấy rối tình dục trong trường học được báo chí đăng tải thời gian gần đây, bà có thấy bất ngờ khi ở một môi trường vốn nổi tiếng về sự “chân – thiện – mỹ” lại xảy ra những vụ việc như thế?
– Tôi không bất ngờ. Những nơi chúng ta nghĩ an toàn nhất lại thường tiềm ẩn nguy cơ. Trong cộng đồng, dù người tốt nhiều nhưng những kẻ có ý muốn quấy rối tình dục cũng không ít. Ở môi trường giáo dục, dường như người ta thường tin tưởng nhau nên đôi khi chủ quan.
Quyền lực cũng là thứ đáng sợ. Trong trường hợp bị giáo viên quấy rối, các em thường không dám nói vì sợ thầy cô. Còn nếu bị bạn bè quấy rối, học sinh cũng thường chọn cách im lặng vì ngại. Có thể thấy trường học cũng là một nơi có những rủi ro cần được lên tiếng bảo vệ trẻ em.
* Là người có nhiều kinh nghiệm về phòng tránh quấy rối hay xâm hại tình dục, bà có thể chia sẻ cho học sinh cách nhận diện sớm những nguy cơ quấy rối có thể đang rình rập bên các em?
– Quấy rối tình dục có thể hiểu là mọi hành vi tình dục không được sự chấp thuận của đối phương. Dù ở độ tuổi nào, nhỏ hay lớn, đều nên biết cách nhận diện được những hành vi có tính quấy rối. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã chỉ ra 5 báo động về quấy rối tình dục để trẻ em, và cả người lớn, có thể tự ý thức.
Thứ nhất là “báo động nhìn”. Đó là khi một người cố tình nhìn vào những bộ phận riêng tư của học sinh hoặc dụ dỗ học sinh nhìn vào bộ phận riêng tư của người khác. Hoặc người lớn hay bạn bè rủ rê các em xem phim sex hoặc các hình ảnh khiêu dâm.
Thứ hai là “báo động nghe”, là ai đó nói những lời tục tĩu, những câu nói, âm thanh liên quan đến chuyện tình dục mà các em không đồng ý. Khi tôi còn làm ở tổng đài 1080, nhiều người đã gọi đến vào nửa đêm để quấy rối các tham vấn viên bằng những âm thanh như đang sinh hoạt vợ chồng.
Thứ ba là “báo động chạm”, khi các em bị đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm như ngực, mông hay cơ quan sinh dục.
Thứ tư là “báo động ôm”, các em bị ôm một cách cố tình, cưỡng ép.
Cuối cùng là “báo động một mình”. Có người rủ các em đi đâu đó một mình, nhất là khi không có sự đồng thuận của cha mẹ. Một mình đến nơi hoang vắng, trong tình huống xấu nếu bị tấn công tình dục, bạn rất có thể sẽ không làm gì được. Với trẻ nhỏ, họ có thể dụ dỗ bằng những thứ như đồ chơi, điện thoại…
Nên lên tiếng sớm
* Theo bà, học sinh trong những trường hợp bị quấy rối tình dục nên phản ứng lại như thế nào?
– Tùy theo mức độ sẽ có những cách phản ứng khác nhau, nhưng điểm chung thường là tìm mọi cách để thoát ra khỏi nơi bị quấy rối hay tấn công.
Trường hợp người quen có những hành vi quấy rối với mình, các em nên thể hiện thái độ kiên quyết không chấp nhận ngay từ đầu. Một nét nghiêm mặt hay cần thiết là một cái tát sẽ có thể làm người quen ấy cảm thấy ngượng ngùng.
Trường hợp xấu hơn như bị tấn công tình dục, các em nên chạy thật nhanh thoát ra khỏi người có ý định tấn công. Trường hợp nguy cấp hơn nữa, sẽ có những biện pháp thật mạnh như tiểu tiện hay đại tiện ra quần nhằm mục đích cho kẻ tấn công tình dục mất hứng…
* Còn với một hình thức quấy rối liên quan đến một vụ lùm xùm được cộng đồng nhắc tới thời gian gần đây, đó là qua tin nhắn trên Internet, thì học sinh nên ứng xử ra sao, thưa bà?
– Một số người từng gặp những trường hợp như thế. Ban đầu chỉ là những tin nhắn có thể rất tử tế nhưng rồi câu chuyện dần chuyển sang những chủ đề liên quan đến tình dục. Đối phương có thể gửi những bức ảnh nhạy cảm và gợi ý các em gửi lại tương tự.
Học sinh cần được giáo dục để nhận ra và biết chặn tài khoản đối phương. Các em cũng cần được người lớn lưu ý sớm rằng những hình ảnh, thông tin riêng tư của mình không được chụp hay gửi cho những người mình chưa hiểu rõ.
* Với những học sinh đã không may đã có những trải nghiệm về quấy rối tình dục, theo bà, đâu là cách để các em chữa lành vết thương cho mình?
– Càng nói sớm bao nhiêu, mức độ tổn thương sau khi bị quấy rối, xâm hại cũng giảm đi bấy nhiêu. Đôi khi không thể bày tỏ trực tiếp, người lớn có thể cho các em viết ra giấy hay vẽ tranh.
Lên tiếng cũng là cách bảo vệ mình tốt nhất. 97% kẻ quấy rối tình dục là người các em quen biết. Nếu không lên tiếng, các em có thể sẽ bị quấy rối thêm nhiều lần khác. Càng che giấu thì càng mặc cảm.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Phổ biến nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Phải vượt qua nỗi sợ
Đầu năm học 2015 – 2016, lúc này tôi 17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường THPT D.Q.Đ. (Trà Vinh). Khi tôi bắt đầu tham gia lớp ôn đội tuyển học sinh giỏi ở Trường THPT chuyên N.T.T., có một buổi chiều thầy T. nhắn tin cho tôi nói là sang nhà có việc.
Ông dắt tôi vào một căn phòng, ôm hôn và đè xuống sàn nhà sờ soạng. Tôi đã cố vùng vẫy nhưng không thể thoát…
Tôi nghĩ có thể nói ra được sẽ tốt nhưng sẽ phải vượt qua rất nhiều thứ, nỗi sợ hãi, hay mặc cảm. Trách nhiệm nằm nhiều ở cộng đồng trong chuyện tạo ra môi trường để các bạn có thể thẳng thắn và cởi mở chia sẻ bởi văn hóa đổ lỗi nạn nhân.
Các định kiến giới vẫn còn rất phổ biến.
Nguồn: tuoitre.vn