Ngay sau 30.4.1975, Bộ Chính trị đã họp lần thứ nhất tại Sài Gòn để xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt VN. Ngày 6.8.1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ, lãnh hải VN với tư tưởng của Nghị quyết 244-NQ/TƯ “Chúng ta phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu khí”…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cán bộ công nhân dầu khí năm 1976
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cán bộ công nhân dầu khí năm 1976

Tiếp quản 2… thùng dầu

Chiều 30.4.1975, khi tiếng súng vẫn còn lác đác trên đường phố Sài Gòn, một nhóm quân giải phóng đã bao vây, tiếp quản trụ sở Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Họ là những cán bộ đoàn Địa chất B thuộc Tổng cục Địa chất và lý do tiếp quản đầu tiên, nhanh nhất là: “Các công ty dầu khí phương Tây đã phát hiện dầu khí ở thềm lục địa phía nam. Tài liệu nằm hết ở đây”…

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, là thành viên trong đoàn 12 cán bộ của đoàn cán bộ Tổng cục Địa chất vào tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và khoáng sản (gọi tắt tổng cuộc). Đoàn chia làm 2, nhóm ông Trung đi nhờ máy bay của không quân chở pháo hoa vào trước, nhưng phải chờ nhóm của ông Nguyễn Ngọc Sớm đi ô tô cầm giấy giới thiệu của Chính phủ, nên mấy ngày sau mới đến gặp tướng Trần Văn Trà (Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn) nhận nhiệm vụ đến Tiểu ban Quân quản địa chất, tiếp quản hầu như nguyên vẹn tài liệu của các công ty dầu khí đang lưu trữ tại trụ sở tổng cuộc. “Không chỉ anh em của đoàn địa chất B canh giữ trụ sở cả chục ngày mà các nhân viên của tổng cuộc như ông Vĩnh (kỹ sư địa chất) và bà Hường (đánh máy) cung cấp mọi tài liệu về dầu khí, thậm chí còn chỉ cho chỗ để 2 thùng phuy dầu thô được Công ty Mobil lấy từ giếng khoan Bạch Hổ -1X”, ông Trung hồi tưởng và khẳng định: “Nguồn tài liệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp cho Công ty dầu khí nam VN xác định được khu vực tìm kiếm, thăm dò nhanh hơn. Nếu các nhân viên chế độ cũ không giữ gìn thì chúng ta phải tìm kiếm, thăm dò ở thềm lục địa phía nam lại từ đầu”.

43 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018): Gian nan những bước tìm dầu1
Công nhân dầu khí đang thực hiện khoan thăm dò tại ĐBSCL cuối năm 1975 ẢNH: TƯ LIỆU PVN

Nhớ lại những ngày lịch sử, ông Nguyễn Đông Hải, nguyên cán bộ Tổng cục Địa chất, kể: Sáng 2.5.1975, Phó thủ tướng Đỗ Mười giao nhiệm vụ cho đoàn công tác của tổng cục gồm 6 người, do Phó tổng cục trưởng Lê Văn Đức dẫn đầu, bay vào Sài Gòn tiếp quản tổng cuộc. Đoàn công tác đã cẩn thận kiểm tra hồ sơ lưu trữ và chính ông Hải đã phát hiện 17 hợp đồng Đặc nhượng về thăm dò và khai thác dầu khí mà VNCH đã ký với các công ty dầu khí phương Tây.

Trầm ngâm, ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội dầu khí VN, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí VN (nay là Tập đoàn dầu khí quốc gia VN – PVN) nhớ lại: Đầu tháng 6.1975, ông Phạm Hùng thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN gửi telex cho Chính phủ VNDCCH đề nghị cử thêm người vào tiếp quản tài liệu của tổng cuộc. “Đoàn có 3 người gồm tôi (lúc đó đang là cán bộ của Viện Khoa học VN), anh Đào Duy Chữ (cán bộ Ủy ban Kế hoạch nhà nước), anh Vũ Trọng Đức (cán bộ Tổng cục Hóa chất), sau đó có thêm anh Hồ Đắc Hoài (cán bộ Tổng cục Địa chất) bay vào Sài Gòn ngày 15.6.1975 làm nhiệm vụ phân loại tài liệu tại trụ sở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm”, ông San rành rọt và cho biết: “Suốt 3 tháng liền, chúng tôi làm ngày làm đêm để tập hợp các tài liệu thu nhận từ các công ty, bộ ngoại giao, tổng cuộc và lần đầu tiên làm báo cáo tổng hợp về cấu trúc địa chất, triển vọng dầu khí, đánh giá trữ lượng tiềm năng của thềm lục địa nam VN”.

43 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018): Gian nan những bước tìm dầu2
Cán bộ Tổng cục Dầu khí khảo sát tìm khí đốt trên vùng kênh rạch Cần Thơ, ngay sau ngày giải phóng ẢNH: TƯ LIỆU PVN

Bộ trưởng đi vay dầu

Trong hồi ức của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, kể lại: “Gần 1 năm sau khi đất nước thống nhất, tôi chuyển từ Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN sang Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước CHXHCN VN. Thời điểm này cả nước thiếu xăng dầu nghiêm trọng, nên lãnh đạo Đảng yêu cầu tôi sang một số nước bạn vay dầu, đặc biệt là các nước có quen biết ở Bắc Phi như Libya, Iraq, Algeria”. Tháng 6.1976, đoàn vay dầu gồm bà Bình, ông Túc (Văn phòng Phủ Thủ tướng) và phiên dịch Lê Mai đi Algeria. Vừa đến nơi thì thủ tướng nước bạn mất trong một tai nạn máy bay, bà Bình không tìm ra người thân quen, chỉ được làm việc với Tổng công ty dầu khí Algeria và nhận được lời hứa sẽ xem xét, phúc đáp đề nghị. Tại Libya, Tổng thống Gaddafi “chúc mừng các bạn chiến thắng” và hứa xem xét.

Đến Iraq, bà Bình được Phó tổng thống Saddam Hussein tiếp và “gút” ngay sau khi nghe đoàn VN trình bày về những khó khăn: “Trước đây nhân dân Iraq đã ủng hộ cuộc chiến đấu của các bạn. Nay chúng tôi sẽ tặng 400.000 tấn dầu và cho vay 1 triệu tấn với lãi suất ưu đãi để VN hàn gắn vết thương chiến tranh”. Cũng từ chuyến đi này, chương trình “Đổi dầu lấy lương thực” giữa 2 nước được xây dựng thực hiện. (còn tiếp)

“Chỉ 3 tháng sau ngày thống nhất đất nước, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước và trên cơ sở Nghị quyết số 244, ngày 3.9.1975, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu khí VN “một tổ chức thống nhất về dầu khí cho cả nước” với mục tiêu: “nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu khí… nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí”. Trong 15 năm tiếp theo (9.1975 – 6.1990), Tổng cục Dầu khí đã tự tiến hành thăm dò dầu khí trên đất liền và hợp tác với một số công ty dầu khí phương Tây thăm dò một số lô dầu khí ở thềm lục địa nam VN. Ngày 19.4.1981, mét khối khí đầu tiên từ mỏ Tiền Hải, Thái Bình bắt đầu được khai thác, được dẫn đến trạm tuốc bin khí phát điện. Ngày 26.6.1986, bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí đã cho kết quả mong đợi: Tấn dầu thô đầu tiên được Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa VN, ghi danh VN vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Dầu khí VN bắt đầu góp phần quan trọng vào nền KT-XH trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận”…

(Nguồn: Tập đoàn dầu khí quốc gia VN)

Nguồn Báo Thanh Niên

Từ khóa : Chính Quyền Việt Nam Cộng HòaĐường Phố Sài GònNguyễn Thị BìnhPhạm Văn Đồngsài gòn

Các tin liên quan đến bài viết