Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979, Đồn biên phòng Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là một khúc tráng ca về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày tháng bảo vệ từng tấc đất nơi phên dậu của Tổ quốc.

Trận đánh 1 chọi 50 ở Pò Hèn

Ông Hoàng Như Lý hiện sinh sống ở thành phố Móng Cái, năm nay đã 70 tuổi, vốn là trinh sát của Đồn biên phòng Pò Hèn mang phiên hiệu 209. Đã 42 năm qua, nhưng với ông trận chiến lúc 5h sáng ngày 17/2/1979 vẫn không thể nào quên khi đồn biên phòng của ông chỉ có vài chục cán bộ chiến sỹ, phải chống lại quân địch lên tới 2000 tên, được sự yểm trợ của pháo binh, súng cối và xe tăng.

Nhớ lại cái ngày kinh hoàng đó, ông Lý kể: Từ sau Tết năm 1979, tình hình khu vực Pò Hèn đã khá căng thẳng, phía bên kia biên giới những đoàn xe quân sự liên tục đưa quân ra vùng biên. Chiều 16/2/1979, Đồn biên phòng Pò Hèn tổ chức giao lưu bóng chuyền, nhiều đồng đội từ các trạm kiểm soát nằm rải rác về đồn cùng tham gia. Anh Bùi Hữu Liễn, Trạm trưởng Bắc Phong Sinh về đồn chơi bóng rồi ngủ lại đồn để hôm sau đánh giao hữu với công nhân lâm trường. Nhưng trận bóng giao hữu ngày hôm sau đã không diễn ra, các anh cũng mãi không trở về.

Từ rạng sáng, những người lính biên phòng Pò Hèn đã phát hiện hàng nghìn lính Trung Quốc bao vây kín khu vực đồn nằm ở lưng chừng núi. Chừng 5 giờ sáng, hàng loạt tiếng pháo cối phát nổ. Từ những quả đồi bên kia biên giới hàng loạt đạn pháo oanh tạc về phía đồn biên phòng Pò Hèn. Đồn trưởng đi công tác, Đồn phó Đỗ Sĩ Hoạ và Chính trị viên Phạm Xuân Tảo chỉ huy đồng đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

 Kỳ 2 Khúc Tráng ca Pò Hèn  - Ảnh 1.

Cựu binh Hoàng Như Lý nhớ lại trận đánh 42 năm trước.

Sau chừng nửa giờ pháo kích, hàng nghìn lính bộ binh Trung Quốc ào lên như biển người bao vây áp sát đồn biên phòng Pò Hèn. Theo lệnh chỉ huy, những người lính quân hàm xanh Pò Hèn vào các vị trí trọng yếu bắn chặn, ngăn quân địch. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch, những người lính biên phòng Pò Hèn lần lượt ngã xuống. Sau một hồi đạn pháo của địch, chuẩn uý trinh sát Hoàng Như Lý ngất lịm. Tới trưa cùng ngày, khi ông tỉnh lại thì tiếng súng đã ngưng, đồng đội đã ngã xuống, quân địch đã chiếm được đồn. Ông Lý bị bắt làm tù binh, phải đến giữa năm 1979 mới được trao trả.

Ông Lê Văn Thứ, chiến sĩ trạm cửa khẩu Pò Hèn nhớ lại trạm của ông cả thảy có 8 cán bộ chiến sĩ. Rạng sáng hôm đó, ông và đồng đội phát hiện quân Trung Quốc đã vây kín xung quanh. Ông Thứ cùng mọi người mang theo súng CKC nhảy xuống hào đánh trả quân địch. Sau hàng giờ chiến đấu ác liệt, 5 đồng đội trạm Pò Hèn hi sinh. Các ông dựa theo địa thế đồi quế, vừa đánh vừa men lên đồi, đến hôm sau mới thoát khỏi vòng vây quân địch.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, rạng sáng ngày 17/2/1979, tại Đồn 209, địch dùng các loại hỏa lực súng cối 120 ly, 82 ly bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đấu của đồn. Sau khoảng 30 phút pháo kích, khoảng 2.000 lính bộ binh của địch tràn sang. Đồn biên phòng Pò Hèn có 45 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hàng chục cán bộ thương nghiệp, lâm trường Hải Sơn cũng ngã xuống cùng những người lính biên phòng. Trong trận chiến ở đồn Pò Hèn chúng ta đã có 45 chiến sỹ hi sinh, trong đó có một người phụ nữ đó là chị Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm sinh năm 1954 tại phường Bình Ngọc, TP. Móng Cái. Từng tham gia chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, chị về làm nhân viên thương nghiệp của một cửa hàng bách hóa dưới chân núi Pò Hèn. Mờ sáng17/2, hàng loạt đạn pháo của quân Trung Quốc đã bắn dồn dập vào khu vực Pò Hèn. Chị Chiêm định chạy ra bên ngoài xem có bị thiệt hại gì không thì đã thấy quân Trung Quốc lố nhố áp sát cửa hàng. Chị liền chạy vào trong nói với các anh Vượng, Định, Thắng phải làm sao thoát được ra ngoài. Sau khi bàn bạc, họ phá vòng vây chạy lên đồi – nơi có trận địa chốt của Đồn biên phòng Pò Hèn.

 Kỳ 2 Khúc Tráng ca Pò Hèn  - Ảnh 2.

Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa – người chỉ huy trận đánh không cân sức bảo vệ đồn Pò Hèn trước quân Trung Quốc.

Chị Chiêm là người yêu của anh Bùi Văn Lượng, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn. Lên đến nơi, gặp đồn phó Đỗ Sĩ Họa, chị Chiêm đề nghị: “Quân Trung Quốc tấn công rồi, em lên đây xin được các anh giao nhiệm vụ”. Đồn phó Đỗ Sĩ Họa đã giao cho chị Chiêm đi tiếp đạn và làm nhiệm vụ băng bó vết thương cho chiến sĩ cũng như đưa những người bị thương về nơi trú ẩn. Hoàn thành những việc do đồn phó Đồn biên phòng Pò Hèn giao, chị Chiêm cầm súng trực tiếp xuống một đoạn giao thông hào chiến đấu cùng các chiến sĩ.

Sau một loạt đạn pháo của quân Trung Quốc dội vào trận địa, chị Chiêm bị thương ở tay. Khi các chiến sĩ đến băng bó vết thương và yêu cầu rút về hầm trú ẩn, chị dứt khoát từ chối. “Cuộc chiến đấu mỗi lúc càng ác liệt hơn. Đồn phó, chính trị viên và nhiều chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn lần lượt hy sinh. Thượng sĩ Hoàng Tiến Cờ phải đứng lên chỉ huy đơn vị” – ông Lý hồi tưởng. Quân Trung Quốc với số lượng áp đảo tiếp tục xông lên. Thượng sĩ Cờ kêu gọi các chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn quyết bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của biên cương Tổ quốc. Đạn hết, sau khi lao ra khỏi giao thông hào đánh giáp lá cà, các chiến sĩ tiếp tục ngã xuống…

Tổ quốc ghi công anh hùng

Hiện nay nơi diễn ra trận đánh cũng là mảnh đất thấm đẫm máu chiến sỹ đồn Pò Hèn năm xưa đã được xây thành một đài tưởng niệm cán bộ chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Bức tượng đài vừa là để ghi nhớ tinh thần yêu nước của những người con đất Việt, và cũng để nhắc nhở chúng ta bài học luôn cảnh giác với giặc ngoại xâm.

 Kỳ 2 Khúc Tráng ca Pò Hèn  - Ảnh 3.

Đài tưởng niệm Pò Hèn là nơi ghi dấu ấn tinh thần yêu nước của dân tộc ta.

Cụm công trình Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh làm chủ đầu tư được khởi công tôn tạo vào ngày 19/5/2010, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc.

Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, với tổng diện tích khuôn viên trên 86.000m2, gồm các hạng mục công trình chính là: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây.

Nổi bật là Đài tưởng niệm cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau vừa là tượng trưng cho ba dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống tại nơi này, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc. Ở hai bên phía trước có 2 nhà bia trong đó đặt 2 tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17/2/1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15/2/1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25/6/1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân lâm trường cùng hy sinh ngày 17/2/1979.

Hàng năm mỗi khi Tết đến Xuân về, và những ngày trọng đại của đất nước, đặc biệt ngày 17/2 chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều đến đài tưởng niệm dâng hương tri ân những anh hùng đã ngã xuống, thể hiện sâu sắc lòng biết ơn đối với những người đã hi sinh góp công vào thành tích Đồn biên phòng Pò Hèn 2 lần được phong danh hiệu anh hùng lực lưỡng vũ trang.

Theo Dân việt

Từ khóa : chiến tranh biên giới phía bắcchiến tranh biên giới phía Bắc 1979Đồn biên phòng Pò Hènquân xâm lược trung quốctỉnh Quảng Ninh

Các tin liên quan đến bài viết