Trận đụng độ với lính đánh thuê Nga hồi tháng 2 là cuộc chiến đẫm máu nhất Mỹ từng trải qua kể từ khi triển khai đặc nhiệm đến Syria.
Lính đặc nhiệm Mỹ triển khai tới Syria đầu năm 2016. Ảnh: AFP.
Lầu Năm Góc hồi tuần trước công bố báo cáo chi tiết về cuộc giao tranh giữa lính đánh thuê Nga và đặc nhiệm Mỹ ở nhà máy khí đốt tại miền đông Syria hồi tháng 2. Quân đội Mỹ khẳng định đây là một trong những trận đánh đẫm máu nhất họ từng trải qua từ khi bắt đầu chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, theo NY Times.
Trong báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả đây là trận đánh tự vệ chống lực lượng thân chính phủ Syria. Các chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ đồn trú tại Syria cho biết họ cảm thấy bất an khi phát hiện hàng trăm binh sĩ, phương tiện cơ giới và pháo binh đối phương áp sát căn cứ Mỹ trong một tuần trước cuộc tấn công. Kịch bản tồi tệ nhất là Mỹ và Nga có thể bị đẩy vào một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng, khi hai nước tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông và ủng hộ hai phe đối đầu nhau trong nội chiến Syria.
Trong những ngày trước trận đánh, chỉ huy hai bên đều thông báo rõ vị trí của nhau nhờ đường dây nóng. Vào thời điểm đó, Nga và Mỹ đang hỗ trợ các cuộc tấn công riêng rẽ nhằm vào phiến quân IS ở hai bên bờ sông Euphrates thuộc tỉnh Deir Ezzor, khu vực nhiều dầu mỏ ở phía đông Syria.
Quân đội Mỹ nhiều lần cảnh báo về dấu hiệu tập kết lượng lớn tay súng gần bờ sông Euphrates, nhưng quân đội Nga khẳng định không kiểm soát lực lượng này, dù phương tiện do thám Mỹ phát hiện họ liên lạc bằng tiếng Nga.
“Bộ chỉ huy Nga ở Syria khẳng định đó không phải quân của họ. Tôi đã chỉ thị cho Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford ra lệnh tiêu diệt lực lượng này”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trong phiên điều trần hồi tháng 4.
Sáng 7/2, không có dấu hiệu về một cuộc chiến đẫm máu sắp xảy ra. Khoảng 30 lính đặc nhiệm thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch đặc biệt (SOCOM) được triển khai cùng lực lượng Arab và người Kurd tại một tiền đồn nhỏ, sát nhà máy khí đốt Conoco, gần thành phố Deir Ezzor.
Tại căn cứ hỗ trợ cách đó 30 km, một nhóm lính Mũ nồi xanh và trung đội thủy quân lục chiến Mỹ chăm chú theo dõi các màn hình hiển thị dữ liệu về nhà máy Conoco, cũng như hoạt động của đối phương do máy bay không người lái gửi về.
15h cùng ngày, lực lượng thân chính phủ Syria bắt đầu áp sát nhà máy Conoco. Tới đầu giờ tối, hơn 500 lính cùng 27 phương tiện cơ giới, gồm xe tăng và xe thiết giáp chở quân, đã tập hợp đội hình tấn công.
Tại trung tâm điều phối hoạt động không quân Mỹ ở Qatar và Lầu Năm Góc, các sĩ quan và chuyên gia phân tích tình báo liên tục theo dõi diễn biến mới. Phi công và máy bay khắp khu vực Trung Đông cũng được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Trên thực địa, đặc nhiệm và thủy quân lục chiến Mỹ thành lập một đội phản ứng nhanh gồm 16 người đi trên 4 xe thiết giáp kháng mìn, sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng ở nhà máy Conoco. Họ kiểm tra vũ khí, đảm bảo rằng các xe đều mang đầy đủ tên lửa chống tăng, kính ngắm ảnh nhiệt, lương thực và nước uống.
Lúc 20h30, ba xe tăng T-72 chỉ cách nhà máy Conoco khoảng 1,5 km. Nhận thấy một cuộc tập kích sắp diễn ra, đội phản ứng nhanh chuẩn bị xung trận. Tại nhà máy Conoco, lính Mỹ theo dõi đội hình xe thiết giáp cơ động hướng về phía họ lúc 22h. Ba mươi phút sau, lính đánh thuê Nga và dân quân Syria nổ súng tấn công.
Xe tăng, pháo binh và pháo cối của lực lượng thân chính phủ Syria nã đạn dồn dập vào tiền đồn Mỹ. Hỏa lực dữ dội đến mức lính Mỹ phải chui vào công sự ẩn nấp, đôi khi họ nhô lên để phóng tên lửa chống tăng và bắn súng máy chống trả đội hình tiến công của đối phương.
Một đơn vị lính đánh thuê Nga tại Syria hồi năm 2017. Ảnh: Twitter.
Sau 15 phút giao tranh, quan chức quân đội Mỹ thúc giục phía Nga dừng cuộc tấn công nhưng bất thành. Lính Mỹ buộc phải bắn cảnh cáo nhằm vào một nhóm xe bọc thép và lựu pháo. Tuy nhiên, đối phương vẫn áp sát tiền đồn Mỹ, buộc các lính đặc nhiệm phải tìm cách cầm chân và gọi hỏa lực chi viện.
Mỹ sau đó triển khai máy bay không người lái MQ-9 Reaper, tiêm kích tàng hình F-22, chiến đấu cơ F-15E, oanh tạc cơ B-52, cường kích AC-130 và trực thăng AH-64 Apache từ các căn cứ tại Trung Đông đến yểm trợ.
Dàn chiến đấu cơ này lần lượt tiến hành các đợt không kích liên tiếp nhằm vào lực lượng thân chính phủ Syria. Dưới mặt đất, pháo binh thủy quân lục chiến cũng tham gia tấn công. Trong vòng ba giờ tiếp theo, quân Mỹ đánh dồn dập vào đội hình đối phương.
Ngay từ những loạt đạn đầu, không quân và pháo binh Mỹ đã phá hủy hầu hết phương tiện chiến đấu của đối phương. Chỉ một xe tăng và một xe thiết giáp sống sót sau cơn mưa hỏa lực này.
Đoạn băng ghi âm liên lạc giữa các thành viên trong nhóm lính đánh thuê Nga bị rò rỉ sau đó cho thấy hỏa lực mạnh của Mỹ đã băm nát đội hình, không cho họ cơ hội để phản công, thậm chí là chống đỡ để giảm bớt thương vong. “Trước tiên họ sử dụng pháo binh. Sau đó họ điều 4 trực thăng để quần thảo đội hình chúng tôi bằng pháo”, một lính đánh thuê Nga cho biết trong đoạn băng.
Trước làn hỏa lực dữ dội, lính đánh thuê Nga chỉ có thể chạy vòng quanh và tuyệt vọng chờ máy bay Mỹ rút lui. “Không có lính bộ binh Mỹ nào trên chiến trường. Chúng tôi phải đối đầu với pháo binh”, một lính đánh thuê nhớ lại.
Đội phản ứng nhanh lúc này tăng tốc hướng về nơi giao tranh. Tuy nhiên, lực lượng này gặp khó khăn do có nhiều hố đạn pháo và dây diện rơi vương vãi trên đường, trong khi họ phải tắt đèn và sử dụng camera ảnh nhiệt để định hướng. Đến khoảng 23h30, họ phải dừng lại do gặp hỏa lực dữ dội từ trận chiến.
1h sáng ngày 8/2, khi hỏa lực pháo binh ngớt dần, đội phản ứng nhanh có mặt ở tiền đồn Conoco và bắt đầu nổ súng. Lúc này, một số chiến đấu cơ Mỹ đã về căn cứ vì hết nhiêu liệu và đạn dược.
Tổng số lính Mỹ trên thực địa lúc này chỉ khoảng 40 người. Họ tổ chức phòng thủ khi lính đánh thuê Nga bỏ lại xe thiết giáp và tiến công. Một số lính Mỹ mang theo súng máy và tên lửa Javelin nấp rải rác sau chiến hào, số khác sử dụng kính ngắm ảnh nhiệt và thiết bị điều khiển súng máy từ xa. Một vài lính đặc nhiệm chỉ thị mục tiêu cho oanh tạc cơ qua liên lạc vô tuyến.
Một giờ sau, đối phương rút lui và lính Mỹ cũng ngừng tấn công, tạo điều kiện cho lính đánh thuê Nga và dân quân Syria thu dọn chiến trường. Sau 4 giờ giao tranh ác liệt, quân Mỹ không có ai bị thương, trong khi Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết khoảng 200 lính đánh thuê Nga đã thiệt mạng, dù con số này đến nay vẫn còn gây tranh cãi.
Giới phân tích đánh giá thất bại của lính đánh thuê Nga và dân quân Syria là do sai lầm chiến thuật, khi dùng đội hình đông đảo nhưng quá đơn giản để tấn công căn cứ Mỹ. Từ năm 2003, Lầu Năm Góc đã áp dụng nhiều thay đổi về vũ khí trang bị, hậu cần, phương thức phối hợp và chiến thuật, nhằm khai thác triệt để hỏa lực mặt đất và không quân trong giao tranh.