Du lịch Việt Nam bán gì lấy đô la? Theo tôi, phải bán sự khác biệt.
Tôi được biết người Hội An có câu Bán sự bình yên lấy đô la. Tôi ấn tượng với tiêu chí này. bởi bán sự bình yên thì không bao giờ hết.
Và cũng như Hội An vậy, Việt Nam bán hoài cái “khác biệt” cũng không bao giờ hết.
Tôi đề xuất du lịch Việt cần chú ý thực hiện bốn chữ S và hai chữ C để thu hút du khách về lâu dài.
Bốn chữ S:
1. Slogan (khẩu hiệu): Ngành du lịch của Việt Nam từ lâu có khẩu hiệu Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn, và từng địa phương trên cả nước cũng có nơi sử dụng khẩu hiệu riêng. Đối với Việt Nam lần này, tôi muốn có một slogan riêng: Việt Nam – mời đến trải nghiệm sự khác biệt.
2. Strategy (chiến lược): Ngành du lịch của một quốc gia chắc chắn phải đưa ra cho được một chiến lược dài hơi, với nhiều giai đoạn phát triển du lịch một cách căn cơ. Giai đoạn đầu có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo từng địa phương phải nhận thức chiến lược cốt lõi cho sự phát triển của mình là luôn tìm cách khai thác, phát huy hết tiềm năng và tìm kiếm những cơ hội mới trong du lịch.
Tôi hiến kế Việt Nam nên lấy chiến lược trọng tâm xuyên suốt để phát triển du lịch nội địa là: gìn giữ bản sắc đặc trưng của một vùng, một miền, một địa danh, một di tích đặc biệt ở mọi vùng miền của Việt Nam, từ những dòng sông, con kênh, núi đồi, bờ ruộng, vuông tôm…
3. Sustainability (bền vững): Để đưa được một chiến lược dài hơi, có những điểm nhấn, đột phá, theo tôi cần có tính bền vững. Khách du lịch đến từng vùng miền của đất nước mình không phải chỉ để thấy sự thay đổi từng ngày về kinh tế của nơi ấy, mà còn muốn thấy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế không làm mất đi bản sắc, phải thấy sự khác biệt của vùng này, nơi này so với các vùng khác, nơi khác.
4. Synergy (cộng hưởng): Bất kỳ sự phát triển hay sự bứt phá nào dù trong kinh doanh hay làm du lịch tất yếu phải có sự cộng hưởng của cộng đồng. Sự cộng hưởng còn thể hiện ở chỗ không chỉ chú ý nơi trung tâm, thành phố lớn, sầm uất mà đến tất cả vùng miền, các thị xã, thị trấn và các xã, làng, thôn xóm của đất nước mình.
Mỗi nơi phát huy thế mạnh, đặc trưng riêng của mình để cộng hưởng vào sự phát triển chung của đất nước. Sự cộng hưởng này cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện tốt nhất cho nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch mà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt, đi theo chiến lược, không phải làm một cách tùy tiện, vô tổ chức.
Hai chữ C:
1. Chance (cơ hội): Sự phát triển của ngành du lịch nội địa không được bỏ qua bất kỳ cơ hội nào, như những diễn đàn, họp mặt từ cấp cao, những cuộc gặp gỡ, của những chuyến thăm giao lưu giữa các vùng miền, của các nơi trên thế giới. Ở mọi sự kiện dù lớn hay nhỏ đều là cơ hội để mình giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam.
2. Creativity (sáng tạo): Làm bất cứ công việc gì mà không có sáng tạo sẽ khó lòng mang lại hiệu quả. Sự sáng tạo trong ngành du lịch càng rõ rệt. Cần lưu ý không bỏ qua bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào trong cách làm du lịch của mọi người, mọi vùng miền, từ đó tìm cách sáng tạo riêng cho mình, phù hợp với tính cách riêng của đất và con người Việt Nam.
Sự sáng tạo, biết phân tích, chọn lọc, tham vấn… chắc chắn sẽ là liều thuốc kích thích cho sự phát triển du lịch nội địa Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn