Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ chuyển nhượng 32ha đất Phước Kiển. Theo đó, quá trình chuyển nhượng và đền bù dự án khu dân cư Phước Kiển, Nhà Bè có nhiều sai phạm, gây thiệt hại vốn nhà nước.
Nhiều lần gia hạn vẫn hết hạn
Theo kết luận điều tra, Công ty Tân Thuận được thành lập từ việc sáp nhập hai doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là Công ty Kho vận Nhà Bè và Công ty Xây dựng và phát triển Nhà Bè.
Tháng 11-2000, Công ty Tân Thuận được UBND huyện Nhà Bè giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, được Ban Tài chính quản trị Thành ủy (nay là Văn phòng Thành ủy) chấp thuận chủ trương cho đầu tư dự án.
Năm 2007, dự án Phước Kiển được UBND huyện Nhà Bè phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000. Đến tháng 8-2009, UBND TP.HCM có công văn chấp thuận địa điểm cho Công ty Tân Thuận đầu tư dự án Phước Kiển, tổng diện tích là 509.214m2 thời hạn đến ngày 10-8-2010 và được gia hạn lần cuối đến ngày 31-12-2013.
Nhưng đến thời hạn này, Công ty Tân Thuận mới chi ra số tiền là 151 tỉ đồng để hiệp thương đền bù được diện tích 324.970m2 đất nên chưa hoàn tất việc bồi thường, lập và trình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dẫn đến hết hạn.
Từ hợp tác đến chuyển nhượng
Tháng 8-2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỉ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển.
Căn cứ vào nội dung công văn này, ông Trần Công Thiện (thành viên hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) chỉ đạo ông Nguyễn Xuân Tùng (trưởng phòng kinh tế tổng hợp) thuê Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 324.970m2 đất tại dự án trên có giá bình quân là 1.050.000 đồng/m2, với mục đích thẩm định là “tư vấn giá trị đất để phục vụ đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty”.
Ngày 26-4-2017, ông Thiện ký văn bản kiến nghị Văn phòng Thành ủy (chủ sở hữu) thuận chủ trương cho hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai để triển khai dự án với lý do muốn tiếp tục triển khai dự án phải làm thủ tục lại từ đầu theo quy định và phải chứng minh năng lực tài chính.
Ông Thiện dự kiến dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, theo quy định cần chứng minh vốn chủ sở hữu là 1.200 tỉ đồng (lúc này, vốn chủ sở hữu là 162 tỉ đồng) và bắt buộc phải ký quỹ đầu tư nên Công ty Tân Thuận không thể chứng minh năng lực tài chính.
Ngày 19-4-2017 và ngày 18-5-2017, ông Thiện (chủ tịch hội đồng xây dựng giá) triệu tập hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận gồm: ông Thiện, ông Trần Tấn Hải (phó tổng giám đốc, thành viên), ông Nguyễn Xuân Tùng (trưởng phòng kinh tế tổng hợp, thành viên) và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (kế toán trưởng, thành viên) họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá của Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học, làm giá tối thiểu để thương thảo hợp tác là 1.050.000 đồng/m2 và đơn giá chuyển nhượng là 1.250.000 đồng/m2.
Ngày 16-5-2017 và ngày 1-6-2017, Văn phòng Thành ủy ban hành thông báo, truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang – nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 324.970m2 đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển và chấp thuận phương án giá chuyển nhượng theo đề xuất của Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng phải đảm bảo giá trị ngang giá thị trường và đúng quy định pháp luật.
Ngày 5-6-2017, ông Trần Công Thiện, đại diện Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 324.970m2 đất nêu trên cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2 và đã nhận của Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng và tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng.
Ngày 6-12-2017, Văn phòng Thành ủy có văn bản yêu cầu Công ty Tân Thuận tạm dừng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất cho đến khi có chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.
Đến ngày 19-12-2017, Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận thỏa thuận lại giá chuyển nhượng. Sau khi thỏa thuận lại, hai bên điều chỉnh đơn giá lên 1.768.000 đồng/m2. Nhưng đến ngày 24-4-2018, Văn phòng Thành ủy có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên.
Do vậy, ngày 8-5-2018, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỉ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỉ đồng và tiền lãi suất là 21 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nguồn vốn nhà nước tại công ty.
Nguồn: tuoitre.vn