Theo các nhà khoa học, tính tự chủ, trong đó bao gồm khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát hành vi chính là yếu tố then chốt trong việc học Toán của trẻ.
Tính tự chủ ảnh hưởng đến sự tiến bộ trong môn Toán của trẻ như thế nào? Đó là câu hỏi được đưa ra và các nhà khoa học của Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow (MSU) và Học viện Giáo dục Nga (RAE) đã chứng minh rằng một đứa trẻ có khả năng điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình càng tốt thì chúng càng có nhiều khả năng trở thành học sinh xuất sắc.
“Chính sự tự điều chỉnh là cơ sở cho sự thích ứng với việc đi học và tạo nên thành công trong học tập và giao tiếp hàng ngày. Chúng tôi có thể tự tin khẳng định trẻ em có khả năng tự điều chỉnh hành vi ở mức độ cao có khả năng học rất tốt. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ràng trong Toán học, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả trong việc đọc hay viết”, Alexander Veraksa, thành viên của Học viện Giáo dục Nga, trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục và Sư phạm tại MSU, cho biết.
Theo các nhà khoa học, khả năng tự điều chỉnh là khả năng kiểm soát cảm xúc, quá trình nhận thức và hành vi của một người. Tuy nhiên, khi nhập học, cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ có thiếu hụt hoặc phát triển kém kỹ năng đó, điều này có thể ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập của trẻ.
Các nhà tâm lý học xem xét 3 yếu tố chính cấu thành tính tự chủ. Đầu tiên là trí nhớ chủ động, thứ 2 là tính linh hoạt trong nhận thức và cuối cùng là khả năng kiểm soát tình huống nhằm ngăn chặn những thông tin hay phản ứng gây mất tập trung trong 1 điều kiện nhất định.
Ví dụ, trí nhớ (chủ yếu là trí nhớ thị giác) liên quan trực tiếp đến khả năng đếm ở lứa tuổi mẫu giáo và mức độ kiểm soát tình huống ở lứa tuổi này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng toán học sau này. Ở các bậc cao hơn, kỹ năng làm việc với một dãy số và cảm giác trực quan về sự sắp xếp của các con số (gọi là “cảm giác số học) đóng vai trò quan trọng.
“Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu rằng điều đó không đủ để thành thạo toán học. Đúng vậy, rất có thể, những đứa trẻ có khả năng kiểm soát sẽ học dễ dàng hơn, nhưng nó cũng 1 phần được quyết định bởi chương trình giảng dạy môn toán và cách truyền đạt của giáo viên tại trường”, Anastasia Sidneva, nhà nghiên cứu cấp cao nói thêm tại Khoa Tâm lý của MSU nói.
Nguồn: vietnamnet