Theo Bộ GTVT, tuyến đường N2 có chiều dài trên 440 km nối quốc lộ (QL) 22 và QL30 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Tuyến đường này còn là một phần của đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Vàm Rầy (Kiên Giang) dài khoảng 280 km và kết thúc tại đất mũi Cà Mau.

Với tuyến N2, phương tiện giao thông từ các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên khi về đến TP.HCM theo QL1 rẽ vào QL22 đi vào tuyến N2 về các tỉnh miền Tây sẽ góp phần giảm mật độ giao thông trên QL1…

Trục dọc thứ hai nối Tây Nam bộ

Thời gian vừa qua, tuyến N2 chưa phát huy hết tác dụng do trên tuyến còn “lụy” phà Cao Lãnh và Vàm Cống khiến thời gian di chuyển của các phương tiện kéo dài. Chưa kể vào dịp lễ, Tết, tình trạng ùn ứ, thậm chí kẹt phà mà nghiêm trọng nhất là khu vực phà Vàm Cống thường xảy ra.

Do đó, khi dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long được triển khai, trong đó các tuyến đang gấp rút hoàn tất như cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống, cầu Vàm Cống sẽ kết nối thông suốt tuyến N2 trong năm 2017.

Mới đây, trong tháng 9, liên tiếp hai cầu lớn bắc qua sông Tiền và sông Hậu là cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống chính thức hợp long, dự kiến cuối năm 2017 sẽ thông xe. Cùng với đó, tuyến đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi đang được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung thi công để trong năm 2018 hoàn tất. Với ba dự án này, khi hoàn thành sẽ hoàn chỉnh kết nối tuyến đường N2, hình thành một trục dọc thứ hai bên cạnh QL1 từ TP.HCM nối đi các tỉnh Tây Nam bộ.

3 công trình giúp thay đổi miền Tây - ảnh 1Tuyến N2 xuyên Đồng Tháp Mười là trục dọc giảm tải cho QL1. Ảnh: HẢI DƯƠNG

3 công trình giúp thay đổi miền Tây - ảnh 2Cầu Vàm Cống hoàn tất sẽ là mạch nối trục dọc giao thông đường bộ miền Tây đi TP.HCM và giảm tải QL1. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Về nhà quá tiện

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng khi cầu Cao Lãnh và Vàm Cống chính thức thông xe sẽ kết nối với tuyến N2 hiện hữu (Đồng Tháp) và tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (Kiên Giang), hình thành một trục dọc thứ hai bên cạnh QL1 từ TP.HCM nối đi các tỉnh Tây Nam bộ. Nó tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, đặc biệt miền Tây vốn là vùng có trữ lượng hàng nông sản lớn để phục vụ cho cả nước và xuất khẩu.

Các dự án hoàn thành, người dân các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đi lên TP.HCM sẽ thuận tiện và rút ngắn quãng đường và thời gian hơn trước đây.

Đơn cử từ Đồng Tháp đi TP.HCM theo tuyến N2 rút ngắn khoảng cách được khoảng 20 km.

Còn chị Huỳnh Thu Thủy, nhà ở thị xã Kiến Tường, Long An, cho biết: “Mỗi lần về thăm quê ngoại ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) tôi phải đón xe đò đi Cần Thơ. Tiếp đó, tôi phải đón tiếp xe buýt hay đi tiếp chuyến xe đò Cần Thơ-Kiên Giang. Khi xe ngang qua Vĩnh Thạnh thì xuống. Còn đi xe máy tốn thời gian vì phải qua phà ở Bắc Cao Lãnh và Vàm Cống. Sắp tới mấy cây cầu nối liền rồi nên cả nhà tính Tết này đi xe máy từ Kiến Tường qua ngả Đồng Tháp rồi về cho gần”.

Trong khi đó, anh Trần Minh Tuấn, chủ xe du lịch chở thuê ở Cần Thơ, chia sẻ: “Khách ở Thới Lai, Cờ Đỏ bao xe đi chơi ở Gáo Giồng, Tràm Chim nhiều nhưng họ ngán cảnh xếp hàng như cá mòi ở phà Vàm Cống vào dịp lễ, Tết. Còn chạy vòng xuống Cần Thơ đi QL1 rồi tới An Hữu quẹo vào Cao Lãnh để đi thì xa. Nghe nói sắp tới thông cầu thì tiện lợi cho mọi người. Sắp tới đi TP.HCM cũng đi ngả này cho gần, khỏi phải vòng xuống Cần Thơ, tiện cho dân hết sức”.

Tạo động lực mạnh mẽ phát triển khu vực

Sự kiện hợp long cầu Vàm Cống là hiện thực hóa ước mơ mong mỏi nhiều năm của thế hệ người dân Cần Thơ. Cạnh đó, cầu Cao Lãnh cùng với dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các địa phương trên tuyến và ngược lại, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.

Nó cũng giúp giảm ùn tắc QL1, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Nguồn Plo.vn

Từ khóa : 3 Công TrìnhBộ GTVTĐường N2miền TâyNối Quốc Lộ 22QL30thay đổiVùng Đồng Tháp Mười

Các tin liên quan đến bài viết