11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục. Tuy nhiên đa số nạn nhân không dám tố cáo.
Đại diện Vụ bình đẳng giới – Bộ LĐTB&XH đã cho biết như vậy tại tọa đàm “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” do Bộ LĐTB&XH và Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam – UNFPA tổ chức ngày 5-12.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết Việt Nam chưa có một nghiên cứu sâu rộng về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái (bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục), nhưng đã có các khảo sát nhỏ lẻ của một số cơ quan, tổ chức cho thấy khoảng 2/3 phụ nữ, trẻ em gái đã bị, từng bị bạo lực.
“Bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái rất đáng báo động, nhưng hiện Việt Nam vẫn còn gặp khó trong công tác phòng, chống bởi người bị nạn thì ngại tố cáo, các dịch vụ hỗ trợ còn mỏng, việc can thiệp, trợ giúp còn chậm. Pháp luật đã quy định nhưng việc áp dụng còn hạn chế, xử phạt chưa nghiêm”, thứ trưởng Hà nhấn mạnh.
Chứng minh cho phát biểu của thứ trưởng Hà, đại diện Vụ bình đẳng giới cho biết một khảo sát mới đây của UNFPA tại Hà Nội và TP.HCM, cho thấy 11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục.
Đặc biệt, thời gian qua đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí nhiều vụ việc, thủ phạm lại chính là người thân ruột thịt của các em gái.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA Việt Nam, cũng cho biết cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có 1 người bị bạo lực tình dục. 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, chỉ 2% nạn nhân dám đứng lên tố cáo. Đặc biệt có đến 65% người chứng kiến lại “thờ ơ” với các hành vi bạo lực, họ không tố cáo hoặc đứng ra làm chứng.
Tại tọa đàm, một số nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục, bạo lực tình dục cùng các luật sư, nhà xã hội học đều thừa nhận tình trạng bạo lực phụ nữ, trẻ em gái khá phổ biến. Tuy nhiên, đa số nạn nhân không dám (hoặc không muốn) tố cáo.
Đã có nhiều chính sách pháp luật nhưng chưa được áp dụng, hoặc áp dụng thì các mức xử phạt, xử lí còn quá nhẹ, thiếu tính răn đe, phòng ngừa…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã có những chuyển biến. Đã có nhiều hơn các nạn nhân dũng cảm đứng ra tố cáo, xã hội (cộng đồng mạng) cũng vào cuộc mạnh mẽ, đã xuất hiện một số mô hình can thiệp, trợ giúp nạn nhân như “nhà an toàn”, trường học an toàn, thiên thiện, trung tâm công tác xã hội…
Tọa đàm đã nêu các mô hình hay, các khuyến nghị, giải pháp hữu ích tới cơ quan quản lý với hi vọng sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Nguồn: tuoitre.vn