Hàng loạt giao dịch sang tên tại VPBank đã tạo ra thêm nhiều đại gia trẻ tuổi là cổ đông của ngân hàng và có tài sản ngàn tỷ. Trước đó, sau khi lên sàn, VPBank đã giúp 5 người lọt top 20 giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa phát đi thông báo chuyển quyền sở hữu chứng khoán của Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (VPB) do giải thể doanh nghiệp.
Theo đó, 34,49 triệu cổ phiếu của VPB của Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm đã được chuyển quyền sở hữu cho ông Nguyễn Mạnh Cường.
Ông Cường sinh năm 1995 (23 tuổi), là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Quản lý đầu tư Tín Tâm.
Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6 là 49.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị số lượng cổ phiếu mà ông Cường hiện sở hữu trị giá 1.700 tỷ đồng.
Như vậy, sau giao dịch sang tên, VPBank có thêm một cổ đông rất trẻ sở hữu khối tải sản ngàn tỷ, ngang ngửa với những đại gia lừng lẫy trên thị trường như: ông Trương Gia Bình (sở hữu số cổ phiếu FPT trị giá 2.000 tỷ đồng); bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch PNJ, 1.780 tỷ đồng); Nguyên Đức Kiên – Bầu Kiên (1.580 tỷ đồng); Đoàn Nguyên Đức (1.550 tỷ đồng); Chu Thị Bình (1.450 tỷ đồng),…
Ở thời điểm cuối tháng 5/2018 khi cổ phiếu VPBank giảm mạnh và vốn hóa VPBank bốc hơi 2,3 tỷ USD, vợ đại gia Ngô Chí Dũng tính chi trăm tỷ mua cổ phiếu ngay trong tháng 6 này. Nếu mua thành công bà Hoàng Anh Minh sẽ nắm giữ tổng cộng 72,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,642% vốn điều lệ VPBank.
Ông Ngô Chí Dũng hiện đang nắm hơn 70 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,4732% vốn điều lệ VPBank. Ngoài ra, mẹ ruột ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên cũng đang sở hữu hơn 66,5 triệu cổ phiếu VPB.
Tính tổng, cả gia đình đại gia Ngô Chí Dũng đang nắm giữ 204,4 triệu cổ phiếu VPBank. Số lượng cổ phần này sẽ tăng lên 209,4 triệu cổ phiếu sau khi bà Hoàng Anh Minh mua số cổ phiếu như đã đăng ký.
Trong thời gian vừa qua, cú lao dốc của cổ phiếu VPBank trên sàn chứng khoán đã khiến túi tiền của gia đình ông Ngô Chí Dũng giảm từ đỉnh cao hơn 14.000 tỷ đồng xuống dưới 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của VPBank giảm từ mức 4,6 tỷ USD xuống còn khoảng 2,3 tỷ USD.
Trước đó, VPBank đã có những bước tăng giá thần tốc trước và sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Trước năm 2016, đa số các cổ phiếu trên thị trường OTC đều nằm dưới mệnh giá trong một thời gian dài. Trong nửa cuối 2016 nhiều cổ phiếu trong đó có VPBank bứt phá nhanh và trước khi lên sàn ngày 17/8/2017 đã ở mức 3.x.
Vợ Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng từng tham gia các vụ mua bán cổ phiếu VPBank. Hồi giữa tháng 10/2017, bà bà Đỗ Quỳnh Ngân là vợ ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank, đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu VPB, trị giá khoảng 400 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngày 18/6 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 2017 bằng cổ phiếu của VPBank với tỷ lệ tỷ lệ 100.000:30.217 và thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:316.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) , chỉ số VN-Index vẫn chịu áp lực bán khá lớn. Tuy nhiên, giới đầu tư kỳ vọng khối ngoại sẽ giảm bán ròng sau khi kết thúc tái cơ cấu.
Trong phiên cuối tuần trước, khối ngoại hoàn tất tái cơ cấu danh mục ETFs và bán ròng 600 tỷ trên toàn thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu tăng điểm với nhiều mã như BIDV, ACB, Techcombank, MBBank tăng điểm.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK hiện vẫn đang chịu áp lực giảm điểm. BVSC cho rằng, nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ trong tuần. Biến động các nhóm cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh phụ thuộc báo cáo KQKD quý II dần được công bố.
Còn theo BSC, thị trường đang ở giao đoạn nhạy cảm với ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Một sự sụt giảm dưới ngưỡng tâm lý này, NĐT cần cẩn trọng giảm bớt tỷ lệ nắm giữ để kiểm soát rủi ro ngắn hạn.
Kết thúc phiên giao dịch 18/6, VN-index tăng 0,79 điểm lên 1.016,51 điểm; HNX-Index tăng 0,99 điểm lên 115,9 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 53,07 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu cổ phần. Giá trị đạt gần 5,5 ngàn tỷ đồng.
Theo Dân trí