Tính đến thời điểm này có 93.425 lao động nước ngoài (chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao) đang làm việc tại Việt Nam, giảm trên 23% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Báo cáo của Bộ Lao động – thương binh và xã hội về tình hình lao động, việc làm, an sinh xã hội 6 tháng đầu năm 2020 đã đề cập nội dung trên.
Theo cơ quan này, hiện vẫn còn gần 22.000 lao động nước ngoài chưa thể vào Việt Nam làm việc bởi COVID-19. Hiện các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp nước ngoài, dự án, công trình lớn vẫn đang thiếu nhiều chuyên gia, lao động kỹ thuật cao.
Đến cuối tháng 6-2020, các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước đề nghị Chính phủ ưu tiên cho gần 7.300 lao động nước ngoài (chủ yếu là lao động Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia.
Về tình hình lao động, việc làm, Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết việc làm và thất nghiệp diễn biến phức tạp hơn khi số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm. Đặc biệt ở quý 2, số lao động có việc làm duy trì ở mức trên 52,1 triệu lao động, giảm 2,2 triệu lao động có việc làm so với quý trước.
Sự suy giảm diễn ra mạnh ở nhóm làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, tập trung ở một số ngành nghề 2 như may mặc, da giày, túi xách, thương mại điện tử, du lịch…
Ước tính hết quý 2, số người thất nghiệp tăng lên ở mức khoảng 1,5 triệu người (tăng hơn 200.000 người so với quý trước), trong đó mức gia tăng thất nghiệp ở khu vực thành thị sẽ cao hơn khu vực nông thôn, và thất nghiệp tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp.
Tình trạng thất nghiệp, mất việc gia tăng là do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, và cũng từ đó việc giải quyết việc làm mới cho người lao động cũng giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ tạo việc làm mới cho trên 573.000 người, đạt 35,6% kế hoạch.
Bức tranh lao động, việc làm không mấy sáng sủa, và Bộ lao động – thương binh và xã hội cho rằng từ nay đến cuối năm toàn ngành lao động, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, chính sách cho giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tình hình thực tiễn, mở rộng diện bao phủ các đối tượng cần được trợ giúp.
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng; tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt hoặc ngừng hoạt động, phá sản; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi.
Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động ở Việt Nam để thay thế cho số lao động nước ngoài hiện chưa quay lại Việt Nam làm việc khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…
Nguồn: tuoitre.vn