Trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc.

Cú sốc “chưa từng có”

“Có thể nói đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2009”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” do Bộ này phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức ngày 20/1.

Hê quả là hầu hết các nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm năm 2020 và cho đến nay, nhiều nước vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với dịch bệnh. Điều đáng nói, theo ông Phương, trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc.

Ông Phương cho rằng cuộc khủng hoảng này là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 2009, nhưng trong phần thảo luận, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng châu Á tại Việt Nam (ADB) lại đánh giá: Đây là cuộc khủng hoảng tệ nhất trong lịch sử.

2020 vượt qua khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, 2021 thách thức đang chờ đợi
Tăng trưởng năm 2020 gặp cú sốc covid-19.

Có 2 lý do để ông Cường tin vào nhận định này. Một là nền kinh tế thế giới và khu vực chỉ vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008, đang trên đà phục hồi, thì cuộc khủng hoảng năm 2020 bắt đầu. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng này mang tính bất định vì phụ thuộc vào vấn đề y tế. “Các chính sách tài khóa tiền tệ được đưa ra nhưng nếu diễn biến y tế khác đi một chút thì lại phải thay đổi. Cho nên, đây là cuộc khủng hoảng tệ nhất trong lịch sử”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Chuyên gia ADB cũng phản biện lại cụm từ vẫn đang được dùng thường xuyên là “trạng thái bình thường mới”. Bởi theo ông, kinh tế thế giới vẫn luôn trong tình trạng “bất bình thường mới”, chứ chưa bao giờ bình thường. “Trong suốt 1 thập kỷ vừa rồi, nền kinh tế thế giới luôn trải qua trạng thái bất bình thường”, ông Cường nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP đạt 2,91% và được Ngân hàng Thế giới đánh giá là “một trong số ít nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch.

“Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến con số tăng trưởng dương của năm 2020.

2021 sẽ chưa thể nói trước điều gì

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với hai kịch bản chủ yếu.

Kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8% trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch dần được khống chế.

Kịch bản khả quan: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%,  trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%.

2020 vượt qua khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử, 2021 thách thức đang chờ đợi

Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF, cho rằng: Những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch Covid-19.

Kết quả dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 theo phương án dự báo mới nhất (tháng 12/2020) cập nhật tác động của đại dịch và sự thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế, đã giảm đáng kể so với các dự báo trước Covid-19 của NCIF (tháng 12/2019). GDP phương án điều chỉnh giảm khoảng 0,7 điểm % so với dự báo trước đây, trong đó, tăng trưởng giảm thấp hơn chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2021 của WB phát hành ngày 19/1 cũng đưa ra gợi ý: “Thời gian tới, cần chú ý đến Việt Nam sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch. Việc phê duyệt một số vắc xin Covid-19 mang lại hy vọng về triển vọng tích cực hơn vào năm 2021, đặc biệt là với ngành du lịch và hàng không. Rủi ro bao gồm chậm trễ trong phân phối và sử dụng vắc xin.

“Cuối cùng, Chính phủ sẽ cần phải đánh giá cẩn trọng về thời điểm gỡ bỏ các chính sách tài khóa và tiền tệ liên quan đến Covid-19 đã được ban hành để hỗ trợ nền kinh tế”, WB lưu ý.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia ADB điểm lại những thách thức Việt Nam phải đối mặt như môi trường, già hóa dân số, chuyển đổi số, vai trò nhà nước và tư nhân rồi đặt ra câu hỏi chính sách của Việt Nam phải làm gì trong giai đoạn tới “quản lý hay hỗ trợ”.

Chuyên gia ADB cho rằng năm 2021 Việt Nam vẫn phải tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bởi đây là quá tình Việt Nam vẫn “chưa hoàn tất” dù đã trải qua hơn 30 năm. Ngoài ra, phải tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bởi “chỉ khu vực tư nhân năng động mới giúp Việt Nam vượt qua được các khó khăn”. “Để kinh tế tư nhân phát triển thì cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước chứ không phải là quản lý”, ông Cường chia sẻ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19khủng hoảngkinh tếphục hồităng trưởngtồn tại

Các tin liên quan đến bài viết