Khi thế giới ngày càng đối mặt nhiều hơn với thảm họa thiên tai, các giải pháp công nghệ xanh, năng lượng sạch đang trở thành xu thế không thể đảo ngược.

2017 - năm của năng lượng sạch, công nghệ xanh - Ảnh 1.

Mái nhà lợp bằng tấm thu điện mặt trời của Công ty Tesla (Mỹ)

Trong năm 2017, năng lượng tái tạo giành được động lực phát triển mạnh mẽ ở mức chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt nhà sản xuất xe hơi như Tesla, Honda, Mercedes, GM, Volkswagen… đã tuyên bố các lộ trình sản xuất các mẫu phương tiện chạy điện.

Cùng với đó là hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang được triển khai tại các quốc gia.

Xu thế không thể đảo ngược

Nhìn về bức tranh tổng thể của các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong năm qua, “mảng tối” đáng kể nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.

Cùng với đó, ông Trump và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã có những chính sách thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và than đá thay vì năng lượng sạch.

Thế nhưng phần còn lại của thế giới đang hướng tới một nền công nghiệp năng lượng xanh. Rõ ràng với ý thách thức và “tuyên chiến” với ông Trump, tân Tổng thống Pháp Macron đã công bố sáng kiến “Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại” (Make our planet great again) cùng các lộ trình hành động cụ thể.

Tại châu Âu, Pháp và Anh tuyên bố sẽ cấm triệt để các loại xe hơi chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Có lẽ vì cái mốc 2040 nghe vẫn còn khá xa nên “kinh đô ánh sáng” Paris đã tuyên bố cấm các loại xe hơi chạy xăng và dầu diesel sớm hơn một thập kỷ: từ năm 2030.

Tại châu Á, Trung Quốc đang nỗ lực chứng tỏ họ hoàn toàn sẵn sàng thay Mỹ đảm đương cương vị “dẫn dắt” thế giới trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo khi đã triển khai số dự án kỷ lục về điện mặt trời và điện gió trong năm 2017.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ thu được 20% năng lượng từ mặt trời và gió.Để đạt được điều đó, dự kiến đầu tư cho lĩnh vực này của họ tính tới năm 2020 là 560 tỉ USD và sẽ tạo ra khoảng 13 triệu việc làm.

Vì Trung Quốc là quốc gia xả thải lớn nhất thế giới nên các dự án năng lượng sạch của họ không chỉ giúp giảm bớt lượng khí CO2 thải vào môi trường mà còn khiến cho giá thành triển khai công nghệ xanh toàn cầu sẽ rẻ hơn.

Năng lượng sạch ngày càng rẻ hơn

Các tấm thu năng lượng mặt trời cũng đang ngày càng rẻ hơn khi công nghệ liên quan được cải thiện thêm nhiều theo từng năm. Cùng với đó, giá thành các hệ thống pin lưu trữ điện cũng ngày càng giảm do quy mô sản xuất được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên thực tế việc lắp đặt các mái nhà lợp bằng tấm thu điện mặt trời đã giảm gần 1/4 giá thành trong vài năm qua và tiền mua pin lưu điện đã trở thành lựa chọn khả thi hơn với nhiều người dân.

Trong năm 2017, Tesla là một trong những công ty được yêu thích ở lĩnh vực cung cấp tấm lợp mái nhà thu năng lượng mặt trời.

Từ cuối năm 2016, công ty này đã tung ra thị trường các mẫu mái lợp Solar Roof với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dùng, khắc phục nhược điểm còn “lấn cấn” cuối cùng với những người muốn sử dụng kiểu mái lợp này.

Cùng với Tesla, một công ty khác của Mỹ là Sunpower cũng là cái tên đang tìm cách khẳng định tên tuổi trên thị trường năng lượng sạch với một kiểu tấm thu điện mặt trời có thiết kế mới, giúp tăng tối đa hiệu quả hấp thu ánh sáng mặt trời.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới thương hiệu Ikea, tập đoàn của Thụy Điển chuyên thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà. Công ty này đã bán được rất nhiều tấm thu điện mặt trời giá rẻ tại Anh và các nước khác.

Với 9.300 USD, người dùng sẽ được lắp đặt trọn bộ hệ thống tấm thu điện mặt trời và pin trữ điện trong gói sản phẩm của Ikea do Hãng Panasonic sản xuất.

Sự kiện kỷ lục ghi dấu thành tựu nổi bật năm qua là việc ông chủ Hãng Tesla, Elon Musk, đã hoàn thành hệ thống pin lưu điện Powerpack cho chính quyền Nam Úc trong thời gian kỷ lục 100 ngày.

Nhưng thị trường pin lưu điện không chỉ có Tesla, năm 2018 sẽ có thêm các sản phẩm khác hứa hẹn như pin có thể sạc trong năm phút của Hãng StoreDot, Samsung với loại pin lithium-ion sạc nhanh chỉ trong 20 phút.

Ngoài ra, các hãng như Toyota và Honda đang hợp tác với những nhà cung cấp nhiên liệu Nhật Bản để tăng thêm hạ tầng làm nền tảng phát triển cho các dòng xe hơi chạy bằng khí hydro.

Tuy nhiên công nghệ này vẫn khó nhân rộng vì giá thành xe hơi chạy bằng hydro còn quá đắt (chiếc Toyota Mirai có giá 60.000 USD hoặc hơn) và ngay tại Bắc Mỹ cũng gần như không có trạm cung cấp nhiên liệu loại này.

Tạp chí The Economist nhận định trong năm tới, lần đầu tiên các loại xe hơi chạy điện sẽ rẻ hơn xe chạy xăng với các tính toán liên quan tới chi phí tổng cộng cho việc sở hữu mộtchiếc xe hơi.

Xe điện: nhiều lựa chọn

Trong năm 2018 người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết với các loại phương tiện di chuyển ứng dụng “công nghệ xanh”. Nếu như trước đây thị trường xe hơi chạy điện chỉ có mình “ông lớn” Tesla thống lĩnh với dòng sản phẩm có quãng đường di chuyển xa tới hơn 240km, nay người dùng có thể lựa chọn một chiếc xe hơi điện của Chevy Bolt, Nissan Leaf, Audi E-Tron Quattro, BMW i3, hoặc nếu bạn ở châu Âu thì có thêm Renault Zoe. Trong năm 2018 sẽ có thêm mẫu VW e-Golf và Jaguar i-Pace.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biến đổi khí hậucông nghệ xanhdự án điệnmặt trờinăng lượng sạchthảm họa thiên tai

Các tin liên quan đến bài viết