Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 cho biết đến 6h sáng 28-10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài 2 tàu bị chìm của Bình Định, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác.

2 tàu chìm, 46 tàu Bình Định đang vào bờ, cấp bão không giảm - Ảnh 1.

Tôn bay khỏi nhà dân ở âu thuyền Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) sáng 28-10 

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại TP Đà Nẵng, lúc 6h sáng 28-10 tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300km, cách Quảng Nam 220km, cách Quảng Ngãi 190km với cường độ gió cấp 13, giật cấp 16.

Về sức gió là không thay đổi so với thời điểm 23h ngày 27-10, từ Đà Nẵng đến Bình Định là cấp 11-13, giật cấp 15; từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cấp 8-10, giật cấp 12; Kon Tum, Gia Lai cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, bắc Khánh Hòa là cấp 6-7, giật cấp 10.

Về mưa, dự báo từ 28, 29-10, từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa 200 – 400mm/đợt; bắc Tây Nguyên 150 – 250mm/đợt. Từ 28 đến 31-10, nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500 – 700mm/đợt, Quảng Bình, Quảng Trị mưa 200 – 400mm/đợt.

Hiện tại toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu với 368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm (giảm 46 tàu với 300 lao động so với thời điểm 23h ngày 27-10). Ngoài 2 tàu bị chìm của Bình Định, hiện chưa có thông tin về thiệt hại khác.

2 tàu chìm, 46 tàu Bình Định đang vào bờ, cấp bão không giảm - Ảnh 2.

Đến sáng nay 28-10, toàn bộ tàu thuyền trú tránh bão ở âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang vẫn an toàn trước bão đổ bộ 

Sáng 28-10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đến thăm, giám sát, động viên những điểm tập trung người dân tránh bão số 9 ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Gặp gỡ hàng trăm người dân đang tránh bão tại Trung tâm Giới thiệu việc làm nằm trong khuôn viên Khu công nghiệp Hòa Khánh, phó thủ tướng bày tỏ sự khen ngợi khi mỗi người dân ý thức đeo khẩu trang đảm bảo an toàn cho bản thân. Phó thủ tướng đánh giá cao việc người dân không chủ quan, tự nguyện đến nơi tránh trú và không tự ý bỏ ra ngoài khu vực tránh trú.

“Phải đảm bảo an toàn tính mạng trước, đặc biệt chú ý người già và trẻ em. Những thanh niên trai tráng không được chủ quan, phải chú ý và gia cố thêm các cửa kính xung quanh nơi tránh trú bởi nếu gió giật mạnh khi bão càn qua sẽ dễ bị bể kính gây nguy hiểm” – phó thủ tướng nhắc nhở.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy – chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, địa bàn quận nằm ven biển, chịu trực tiếp ảnh hưởng của bão số 9. Vì vậy từ hôm qua quận đã hoàn tất việc di dời người dân ở các nhà cấp 4, các khu trọ đến 61 điểm tập trung để đảm bảo an toàn. Mỗi điểm có hàng trăm người dân.

Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai ứng phó với bão khẩn cấp và mưa lũ lớn; tích cực tìm kiếm cứu nạn 2 tàu mất liên lạc của Bình Định và kiên quyết kêu gọi 46 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trên đất liền để xử lý các tình huống; rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.

Tăng cường công tác truyền thông qua hệ thống tin nhắn để người dân chủ động ứng phó. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế; chỉ đạo vận hành hệ thống hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và cắt giảm lũ cho hạ du…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bão số 9Bình ĐịnhTàu chìm

Các tin liên quan đến bài viết