Cựu Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên bị cáo buộc cấp vượt gần 10 tấn vật liệu nổ cho nhóm khai thác than lậu. Còn cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này thừa nhận biết doanh nghiệp không đủ điều kiện vẫn cấp phép khai thác mỏ.

Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 33 người trong vụ án khai thác than lậu, mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại Thái Nguyên do Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Yên Phước cầm đầu.

Hai anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang, thành viên góp vốn điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương bị xác định có vai trò hỗ trợ đắc lực cho Linh trong khai thác than lậu. Hai “đại gia” này từng nổi tiếng trên mạng khi tổ chức giao dịch một cây lan đột biến với giá 250 tỷ đồng.

Hai cựu Giám đốc sở ở Thái Nguyên bị truy tố trong vụ án khai thác than lậu - Ảnh 1.

Kiểm tra bãi tập kết than lậu trong vụ án. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Trong vụ án, nhiều lãnh đạo sở ngành của tỉnh Thái Nguyên cũng bị truy tố. Trong đó, nhóm Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công Thương; Nguyễn Văn Phong và Đỗ Huy Cương, cùng cựu Trưởng phòng thuộc Sở Công Thương bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhóm Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và cấp phó Nguyễn Thế Giang bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

Theo cáo trạng, năm 2014, Công ty Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ, thời hạn đến 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.

Từ năm 2018, Công ty Yên Phước khai thác than bằng hình thức lộ thiên nhưng một năm sau, Châu Thị Mỹ Linh bán quyền khai thác than cho hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang.

Các bên thỏa thuận, Công ty Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ với giá 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng. Hợp đồng ký kết giữa hai bên thể hiện khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, thời hạn 5 năm.

Theo thỏa thuận trên, Công ty Đông Bắc Hải Dương được khai thác gấp 47 lần công suất hằng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Từ tháng 7/2018 đến 8/2021, nhóm của Thanh và Giang khai thác tổng hơn 3 triệu tấn than lậu cùng khoáng sản đi kèm, gấp hơn 115 lần sản lượng được phép khai thác. Nhóm người này thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng, theo cáo trạng.

Để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than lậu, nhóm của Thanh và Giang đã sử dụng 6 công ty do nhóm cổ đông Đông Bắc Hải Dương lập ra để ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn mặt hàng than nhập khẩu, dầu diesel, dịch vụ bốc xúc, vận chuyển của 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định.

Các doanh nghiệp này được xác định không có hồ sơ nguồn gốc than, không có hoạt động bán than, dầu và dịch vụ bốc xúc, vận chuyển với nhóm 6 Công ty Đông Bắc Hải Dương, chỉ xuất bán hóa đơn.

Trong vụ án, bị can Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên bị cáo buộc với mục đích “tạo điều kiện cho doanh nghiệp” đã cấp giấy phép vật liệu nổ vượt gần 10 tấn cho Công ty Yên Phước và để đơn vị này sử dụng trái phép hơn 9,4 tấn thuốc nổ cùng 40.000 kíp.

Còn Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên bị cáo buộc biết mỏ than Minh Tiến không đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng vẫn ký tờ trình gửi UBND tỉnh, cho phép chuyển nhượng, khai thác mỏ. Sở Tài nguyên sau đó cũng không kiểm tra, không làm đúng trách nhiệm để hành vi khai thác than lậu xảy ra.

Theo Dân việt

Từ khóa : anh em song sinhcông ty yên phướccựu giám đốc sở ở Thái Nguyênkhai thác than lậulan đột biếnmỏ than tiến minhNguyễn Ngô Quyết thái nguyênNguyễn Thanh Tuấn thái nguyênSở Công thươngsở tài nguyên thái nguyênviện kiểm sát

Các tin liên quan đến bài viết