Nguyễn Hữu Tình thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản khi vừa bước qua tuổi 18 được mười mấy ngày. Cái “số lẻ” mười mấy ngày đó không cho Tình cơ hội để chuộc lỗi…
Phiên tòa sơ thẩm xét xử hung thủ gây ra vụ thảm sát cả 5 người trong gia đình ông Mai Xuân Chinh (quận Bình Tân, TP.HCM) đã khép lại bằng bản án tử hình cho Nguyễn Hữu Tình.
Tình sinh ngày 29-1-2000, tính đến ngày vung gần trăm nhát dao tước đoạt 5 mạng người (13-2-2018), Tình mới sống được trên đời 18 năm lẻ 15 ngày.
Có người nói, nếu không có cái lẻ 15 ngày ấy, Tình đã có thể thoát được án tử hình nhờ chính sách nhân đạo của pháp luật dành cho người dưới 18 tuổi.
Cô độc
Để rồi khi nói lời sau cùng, bị cáo rất bình tĩnh, rành rọt nói từng tiếng một, thật chậm chạp trước hàng chục ống kính máy quay, máy ảnh, trước tất cả mọi người trong phòng xử: “Trước hết, tôi xin lỗi gia đình bị hại, vì hành động thiếu suy nghĩ của tôi mà gây ra hậu quả quá lớn như thế. Tôi thành khẩn xin lỗi”.
Rồi lời xin lỗi của Tình gởi tới đấng sinh thành vắng mặt: “Con xin lỗi ba mẹ. Con chưa trả hiếu cho ba mẹ. Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ của con nên con phải trả giá bằng mạng sống của mình”
Khi chủ tọa tuyên “tử hình”, hai công an tư pháp đứng sát vào để giữ bị cáo, hai người khác đỡ lấy tấm lưng, Nguyễn Hữu Tình bình tĩnh tra tay vào còng. Tình bị tuyên án tử – ở tuổi 18 – không người thân thích bên cạnh.
Suốt phiên xử từ sáng đến tận trưa, ai cũng dõi mắt tìm kiếm hình bóng người thân của bị cáo. Không có. Theo lời luật sư thì mấy tháng bị giam, Tình cũng không được ba mẹ vào thăm.
Bước xuống chiếc xe thùng trước lúc vào tòa, bị cáo không đưa mắt tìm người thân. Cái dáng người nhỏ bé của bị cáo lọt thỏm giữa hàng chục phóng viên, giữa vòng vây của công an tư pháp, giữa những người đã đợi sẵn cho phiên xử.
Ra khỏi xe, Tình đối mặt với hàng chục những ống kính đang chĩa về mình, đối mặt với trận khóc nức nở, đau đớn vật vã của gia đình bị hại. Đến khi tiếng chuông reng báo hiệu phiên toà bắt đầu, bị cáo được dắt ra, hàng chục máy ảnh tiếp tục chĩa sát mặt.
Bình tĩnh và lạnh lùng!
Nhỏ bé và cô độc!
Ương bướng
18 tuổi 15 ngày tính tới ngày phạm tội, hành vi bị cáo được tòa nhận định là côn đồ, dã man, đi đến tột cùng tội ác, không cải tạo được, cần mức hình phạt cao nhất, cần loại bỏ ra ngoài xã hội.
“Bị cáo có cái tính là rất ghét bất kỳ ai, bất kỳ người nào chửi Đ.M. Bị cáo đã nhiều lần nhắc nhở nhưng bả vẫn chửi”, là lời khai đầu tiên khi bị cáo bắt đầu lý giải cho hành vi của mình. Cũng từ đây, được xem là nguyên nhân chính cho sự việc đau lòng diễn ra. “Nếu không chửi Đ.M, có lẽ đã không có sự việc ngày hôm nay”.
Một vụ thảm sát 5 người giữa TP.HCM những ngày cận tết khiến dư luận căm phẫn. Ra trước tòa, mọi người càng bất bình nhiều hơn trước thái độ của Nguyễn Hữu Tình, trước những câu trả lời cộc lốc, trống không, không chủ vị: “Không biết, không nhớ, vì tức giận, vì hoảng loạn, vì la hét um sùm, vì bị chửi, bả bị đâm rồi mà vẫn còn chửi nên đâm tiếp, không nhớ bao nhiêu nhát”.
18 tuổi 15 ngày, bị cáo ngoe ngoắt đầu chen ngang lời của đại diện viện kiểm sát: “Nhưng bị cáo không thích! Không thích! Bước vào căn nhà này, bị cáo đã tuân thủ mọi thứ nhưng bả cứ chửi”. “Không nhất thiết chết mới là nhắm mắt”, bị cáo tiếp tục.
Ngồi dự khán phiên toà, tôi đã bao lần phải dừng bút, bao lần lắc đầu trước lời khai của Tình. Hơn 45 phút dại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, trong thời gian tranh luận, bị cáo mân mê, gõ tay trên bục khai báo, đôi lúc lại vẽ theo vết bụi của chiếc micro, chưa một lần cúi mặt tỏ vẻ ân hận.
Càng quan sát, càng nghe, tôi càng cảm nhận rằng, dường như bị cáo không nhận thức được mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi mà mình gây ra. Chỉ biết rằng, người ta chửi, người ta khó chịu thì mình “trả thù” vì mình ghét, vì mình không thích, vì mình tức giận. Cái suy nghĩ ương ngạnh, bướng bỉnh, có lẽ đúng với độ tuổi 18 mà lại thiếu sự uốn nắn, dạy dỗ của gia đình.
Cho đến khi bị cáo nói lời sau cùng, dành nhiều lời nhất để cảm ơn một người chị, tôi mới cảm nhận được rằng, Nguyễn Hữu Tình thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu thốn sự quan tâm của người thân biết nhường nào: “Xin lỗi chị Tiên vì em mà chị dính vào rắc rối, phải mang nhiều phiền phức. Nhưng cũng cảm ơn chị, chị đã giúp đỡ em trong những lúc khó khăn nhất”.
Một người ương bướng, ngỗ nghịch tới đâu, trong tâm khảm vẫn cần một sự quan tâm, yêu thương, nâng đỡ khi khó khăn, dẫu bên ngoài bất cần, dửng dưng và khó dạy.
Người nào, dù phạm tội lớn đến đâu cũng có điều gì đó để “bào chữa” như con người dù đứng dưới mặt trời chính ngọ thì cũng vẫn còn cái bóng ngay dưới chân mình.
Đau đớn
Sẽ chẳng có từ ngữ nào diễn tả hết nỗi đớn đau tột cùng của gia đình bị hại khi mất 5 người thân cùng một lúc, đột ngột.
Sẽ chẳng có lời lẽ nào lột tả đủ đầy sự vật vã, những tiếng khóc nấc của phía bị hại. Hàng ghế những người phụ nữ đã oằn mình khóc nghẹn từ đầu đến cuối phiên xử, mỗi lúc một to và rõ hơn. Chưa bao giờ ngừng!
Sao có thể chịu đựng được!
Vậy mà gia đình bị hại đã rất bao dung với bị cáo, chẳng đề nghị xử thật nặng, thật nghiêm, chỉ biết “mong toà xét xử đúng pháp luật”, cũng không đòi mức bồi thường nào khác ngoài chi phí mai táng. Như lời của một đại diện gia đình bị hại, “sẽ chẳng có mức bồi thường nào là đủ đền mạng cho 5 người thân của họ”.
Cũng ở phòng xử này, hàng ghế này, những ngày này của hai năm trước, cũng là những giọt nước mắt đau đớn nhưng là của mẹ bị cáo, mẹ tử tù Vũ Văn Tiến khi tòa xét xử phúc thẩm vụ án thảm sát sáu người ở tỉnh Bình Phước.
Khi chủ tòa tuyên, giữ nguyên mức án tử hình với Tiến, tiếng khóc từ giữa phòng xử vang lên “Con ơi, con!”. Người chị gái bị cáo nước mắt lã chã dìu mẹ mình ra khỏi phòng xử. Để rồi người mẹ ấy ngã khuỵu xuống đất, bưng mặt khóc vật vã trước cổng tòa.
Còn đằng sau Nguyễn Hữu Tình ngày hôm nay, trống trơn, lặng lẽ! Có được một người mẹ khóc thương cho tội lỗi, sai lầm và mạng sống của mình, là may mắn cuối cùng. Và Nguyễn Hữu Tình, đã không có may mắn đó!
Nguồn: tuoitre.vn