Nhiều doanh nghiệp than thở rằng, cứ dịch đến là lại phong tỏa, giãn cách. Trong vòng 18 tháng mà có tới 4 lần phong tỏa, giãn cách, có nghĩa là 4 lần đầu tư lại, làm lại, khiến kinh doanh đứt gãy.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với ba lần trước. Dịch bùng phát với quy mô lớn hơn, nguồn lây nhiều hơn và phức tạp hơn, lây nhiễm chủ yếu từ cộng đồng, nơi tập trung đông người, tốc độ lây lan nhanh. Số người bị mắc bệnh nhiều hơn. Cho đến nay, số ca nhiễm virus trong đợt này cao hơn cả số ca nhiễm của cả ba đợt trước cộng lại. Số địa điểm phong tỏa cũng nhiều hơn đợt 2 và đợt 3. Thời gian để quay lại trạng thái bình thường kéo dài hơn.

Tác động nặng nề

Đợt dịch này vẫn mang tới một số tác động tương tự như các đợt dịch trước. Đó là các ngành dịch vụ như: du lịch, vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn,… tiếp tục chịu tác động nặng nề. Đáng chú ý, các ngành kinh doanh này, đã gặp khó khăn chồng chất, kéo dài từ 3 đợt dịch trước, lại thêm đợt dịch này thì tổn hại càng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh nhìn chung tiếp tục chịu tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp không thể trụ tiếp được nữa, buộc phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.

18 tháng 4 lần khẩn cấp, đứt gãy làm ăn tổn hại kéo dài

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 59.820 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có gần 55.800 doanh nghiệp mới  thành lập, tức là số thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp phải rời thị trường.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia, là điều rất đáng lo ngại.

Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, nên không thể trụ nổi.

Nhưng đại dịch kéo dài cũng đang ảnh hưởng tới những doanh nghiệp có quy mô vừa và hoạt động lâu năm. Cụ thể, có 189 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng đã phải tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng qua, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong số nhóm doanh nghiệp đăng ký rời thị trường.

Cùng với đó, có hơn 6.800 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm đã phải đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Con số doanh nghiệp đóng cửa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi dịch bệnh vẫn trong giai đoạn bùng phát.

Rất nhiều doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong tháng 5 vừa qua giảm mạnh. Một doanh nghiệp cơ khí tại huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, các sản phẩm của công ty là phụ tùng, linh kiện dành cho ô tô tải, gần như không bán được. Lý do là nhu cầu về xe tải giảm mạnh. Doanh thu tháng 5 vừa qua chỉ bằng 50% so với tháng 4. Doanh nghiệp này cũng bi quan về hoạt đông sản xuất kinh doanh trong tháng 6, bởi không có sự khởi sắc.

Nhiều doanh nghiệp than thở, cứ dịch đến là lại phong tỏa, giãn cách. Trong vòng 18 tháng mà có tới 4 lần phong tỏa, giãn cách, có nghĩa là 4 lần đầu tư lại, làm lại, khiến kinh doanh đứt gẫy, khó mà chịu nổi.

Cơ quan quản lý người lao động chưa đưa ra số liệu cập nhật đến thời điểm này, nhưng Tổng cục Thống kê phân tích, trong quý 1/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập.

Thêm đợt dịch Covid lần thứ 4, thị trường lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Do yêu cầu phòng dịch, nhiều địa phương đã phải tiến hành đóng cửa, tạm dừng sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp, như tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… một số khu vực bị phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa những lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

18 tháng 4 lần khẩn cấp, đứt gãy làm ăn tổn hại kéo dài
Dự kiến sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất

Tăng trưởng giảm

Các chuyên gia dự báo, sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất; năng suất lao động giảm, dẫn tới tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, sẽ giảm. Kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, cũng giảm. Tháng 5/2021 đã nhập siêu và có thể tiếp tục nhập siêu quay trở lại trong thời gian tới. Tăng trưởng quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 sẽ thấp hơn kế hoạch dự kiến.

Sự phục hồi kinh tế đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch lần này. Vì vậy, cần thay đổi, bổ sung thêm giải pháp. Đó là chỉ có tiêm vắc-xin cho đa số người dân thì mới đẩy lùi được dịch bệnh, xã hội mới an toàn. Lúc này, cần phải tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề vắc-xin.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong năm 2021, đầu tư công vẫn phải là một trụ cột cho tăng trưởng. Tuy nhiên, đã hết 5 tháng, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, giải ngân đầu tư công mới đạt 28,7% kế hoạch năm. Vì vậy, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cho các dự án quan trọng, để kích thích sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn. Cùng với đó là đưa ra các giải pháp tăng cường hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng. Cần giảm thấp lãi suất cho vay, để hỗ trợ những doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ…

Ngoài ra, tránh tăng các loại thuế, phí trong năm 2021 và tính toán lại việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, nên thu nhập giảm, do vậy việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Vì vậy, để kích thích tiêu dùng trong dân, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thì nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), từ đó tạo thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19doanh nghiệpDoanh Nghiệp Khó Khănhỗ trợphá sảnthất nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết