Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trứng cút đang xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, nhiều hộ dân đã gấp rút bán tháo cả vạn chim cút mái dù lỗ hàng trăm triệu đồng.

Nuôi chim cút hơn 10 năm qua tại thôn Nội, xã Yên Bình (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), anh Trần Văn Bằng cho biết năm nay là năm khó khăn nhất từ trước đến giờ khi anh phải bán tháo hàng vạn con chim cút mái do bù lỗ quá nhiều.

“Nhà tôi nuôi 20.000 con chim cút mái đẻ trứng. Trước khi có dịch, thương lái về tận nhà thu mua với giá 32-35.000 đồng/100 quả, chim đẻ không đủ bán. Nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, giá trứng cút ngày càng giảm, thương lái chỉ thu mua với giá 16-18.000 đồng/100 quả, trong khi giá thức ăn nuôi chim lại lên do nhà máy báo không nhập được nguyên liệu. Mỗi ngày, riêng tiền cám nuôi chim nhà tôi mất gần 1 triệu đồng, một tháng gần 200 triệu. Bán trứng không đủ tiền mua cám cho chim ăn”, anh Bằng chia sẻ.

18.000 đồng 100 quả trứng cút, người nuôi bán tháo đàn bù lỗ trăm triệu
Giá trứng cút rẻ chưa từng thấy đã khiến hàng loạt hộ nuôi chim cút phải bán tháo đàn.

Để không bị lỗ quá nhiều, anh Bằng đã bán tháo toàn bộ 20.000 con chim cút đang đẻ trứng với giá 8.000 đồng/con. “Trứng cút mất giá rồi lại đến chim cút cũng mất giá. Trước đây, chim cút được thu mua từ 12-15.000 đồng/con, vậy mà nay người ta chỉ trả 8.000 đồng/con. Biết là lỗ nhưng tôi vẫn bán vì sợ tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cứ xuống mãi rồi nhỡ không có người thu mua thì biết làm sao”.

Theo anh Bằng, sau khi bán tháo toàn bộ số chim cút, gia đình anh bị lỗ khoảng 164 triệu đồng. Hiện tại, anh đang tiến hành sửa sang chuồng trại và khử trùng toàn bộ khu nuôi chim cút, chờ một thời gian nữa sẽ xuống đàn nuôi tiếp lứa mới. “Tiền đầu tư làm chuồng trại, lồng nuôi hết khoảng 500 triệu rồi, giờ bảo không nuôi nữa cũng không được vì chi phí mình đầu tư quá nhiều. Với lại, giờ không nuôi chim thì đi làm phụ xây, phụ hồ hay sao? Kinh doanh nên phải chấp nhận lỗ lãi nên tôi cứ chờ thêm thời gian nữa rồi tính tiếp”, anh Bằng chia sẻ.

Cũng nuôi chim cút để phát triển kinh tế, anh Thắng, trú tại xã Tân Tiến (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết gia đình anh cũng phải bán tháo 15.000 con chim mái với giá 8.000 đồng/con.

18.000 đồng 100 quả trứng cút, người nuôi bán tháo đàn bù lỗ trăm triệu
Hàng vạn con chim cút nuôi với mục đích lấy trứng phải bán tháo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Hơn 10 năm nuôi chim cút đẻ trứng, chưa năm nào khó khăn như năm nay khi trứng thì xuống 1/3 giá, cám thì lên 5.000 đồng/bao nên tôi bán hết. Để nuôi chim cút đẻ trứng, riêng tiền giống tôi đã mất 10.000 đồng/con, nuôi tiếp 70 ngày sau cút mới đẻ trứng. Vậy mà lúc chim được thu hoạch trứng thì giá lại xuống thấp chưa từng thấy. Bán chim mẹ cũng được có 8.000 đồng/con, tức là mỗi con chim cút tôi bị lỗ 2.000 đồng, chưa kể tiền cám, tiền chăm sóc mấy tháng trời không có công”, anh Thắng thở dài.

Theo anh Thắng, để hòa vốn thì giá trứng cút phải từ 28.000 đồng/100 quả, giá chim thịt phải trên 12.000 đồng/con. Dù biết lỗ nhưng hàng chục hộ dân nuôi chim cút như nhà anh Thắng vẫn phải bán để thu hồi vốn. “Mỗi ngày, chim ăn hết 16 bao cám, mỗi bao 210.000 đồng, tính ra hết 3,3 triệu, chưa kể điện, nước, dọn dẹp chuồng trại, vậy mà thu hoạch 11.000 quả trứng bán chưa nổi 2 triệu đồng. Chúng tôi đành phải bán vội kẻo càng nuôi lại càng lỗ nặng”, anh Thắng nói.

18.000 đồng 100 quả trứng cút, người nuôi bán tháo đàn bù lỗ trăm triệu
Nhiều hộ dân phải đăng bài “giải cứu” trên mạng xã hội nhằm thu hồi vốn.

Là một người chuyên thu mua chim cút thịt, anh Cường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho rằng giá trứng cút và giá chim cút giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Dịch bệnh nên học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài, cửa hàng, quán ăn, quán nhậu đóng cửa, đám cưới hỏi, sự kiện lớn phải tạm hoãn do tránh tụ tập đông người… Trứng cút không thể tiêu thụ hết dẫn đến người nuôi thua lỗ phải bán tháo đàn”.

“Người dân bắt đầu bán tống bán tháo chim cút mái khoảng hơn chục ngày trở lại đây, số lượng nhiều vô kể. Xe khách đi các tỉnh thì không chạy, đình đám, cưới xin, hàng quán dừng hoạt động hết nên lượng khách của tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù muốn tiêu thụ giúp bà con mà không thể, tôi cũng chỉ mua được phần nào thôi. Có những hộ nuôi không biết bán cho ai, mang cả nghìn quả trứng cút ra nhờ tôi bán hộ, trong khi tôi chỉ mua cút thịt nhưng thương họ nên tôi cũng túc tắc bán hộ mỗi người một ít. Họ vất vả lắm”, anh Cường nói thêm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ảnh hưởngảnh hưởng dịchchim cútCOVID-19trứng cút

Các tin liên quan đến bài viết