“Lúc còn sống, chồng em tốt lắm, cả làng đều quý mến. Khi anh gặp tai nạn, chỉ còn 1 tia hi vọng nhưng em vẫn cố đến giây cuối cùng. Khi quyết định hiến tặng tạng của chồng, em cảm thấy như mình chết đi cũng được”, chị Nguyễn Thị Giang tâm sự.

Khi quyết định hiến tặng tạng chồng, em cảm thấy mình chết đi cũng được - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Soái, chị Giang khi anh còn sống 

Hôm nay là tròn một tuần anh Ngọ Văn Soái, 37 tuổi, chia tay vợ con mãi mãi. Căn nhà nhỏ tồi tàn của gia đình ở Hiệp Hòa, Bắc Giang vẫn đang nghi ngút hương khói.

Vợ anh Soái, chị Nguyễn Thị Giang, 32 tuổi, gầy gò, hai má trũng sâu, cứ quên quên nhớ nhớ sau cơn tao loạn của cuộc đời. Chỉ có những điều về người chồng là chị không quên.

“Chồng em tốt lắm, cả làng đều quý mến. Khi chồng em gặp tai nạn rồi đưa ra Bệnh viện Việt Đức, chụp chiếu xong bác sĩ đã lắc đầu, gia đình đã đưa chồng em về nhưng rồi lại quay lại bệnh viện, lại nghĩ còn chút gì hi vọng cũng cứ cố hết sức. Chồng em ở với mọi người thêm được 2 ngày nữa, rồi đi”, chị Giang kể câu chuyện mới xảy ra tuần trước mà như đã lâu lắm rồi, khi chị còn chồng, con chị còn cha, gia đình chị vẫn đang êm ấm, hạnh phúc.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, người phụ nữ nghèo quê mùa đã dám có quyết định động trời: hiến tạng chồng để cứu 4 người. Ở làng này, xã này, cả huyện Hiệp Hòa này, chưa từng có người nào như vậy. Gia đình chị là gia đình đầu tiên thực hiện nghĩa cử ấy: mang hi vọng tới cho những người đang bệnh nặng, ngay khi gia đình mình đang rối bời vì hết hi vọng.

“Chúng tôi đã ghép tim của anh Soái cho một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, nếu không có trái tim của anh ấy, cuộc sống của bệnh nhân kia sẽ không kèo dài thêm được nữa; ghép gan của anh cho một bệnh nhân đã hôn mê gan, ghép thận cho 2 người khác.

Đến nay, tất cả 4 người đều đang trong quá trình bình phục. Chúng tôi sẽ chăm sóc người bệnh tốt nhất có thể để anh Soái yên lòng”, bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ.

Khi quyết định hiến tặng tạng chồng, em cảm thấy mình chết đi cũng được - Ảnh 2.

Ngôi nhà xập xệ của gia đình anh Soái, nơi chị Giang sống với 3 đứa con và một bà mẹ già 

Hôm nay 10-10, đúng một tuần sau khi anh Soái chia tay vợ con về cõi vĩnh hằng, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Trung tâm điều phối và hiến ghép mô tạng quốc gia đã về Hiệp Hòa, trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân mà bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới ký đến tay vợ con anh.

Lúc này, mọi người mới biết là vài ngày nay, vợ con anh Soái đã đau đớn nỗi đau mất chồng, mất cha, lại đau đớn thêm vì xóm làng cứ xì xào vợ anh “bán tạng” của chồng lấy 300 triệu. Vì ở làng quê chưa bao giờ họ nghe thấy câu chuyện hiến tạng ngoài cuộc đời, đâu đó chỉ thấy ở trên báo.

“Lúc đầu, khi bệnh viện nói về việc hiến tạng, gia đình em hoang mang, đau xót, giằng xé lương tâm mất nửa ngày suy nghĩ. Mình mất người thân mình đau xót, những người sắp mất người thân kia cũng thế.

Gia đình quyết định làm đơn hiến tạng, giờ thì trái tim nhà em vẫn đang sống, đôi mắt anh ấy vẫn đang nhìn, em có phần nào an ủi được nỗi đau”, chị Giang chia sẻ.

4 người nhận tạng của anh Soái đã được cứu, họ sẽ ra viện trong vài ngày tới và trở lại nhà mình, trở lại cuộc sống bình thường.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh viện Việt Đứchiến mô tạnghiến tạng

Các tin liên quan đến bài viết