Đậu mùa khỉ thoạt đầu chỉ xuất hiện ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, nhưng nay đã bắt đầu xuất hiện ở cả trẻ em.
Hôm 23-7, lần thứ hai trong vòng 2 năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Lần này, nguyên nhân là bệnh đậu mùa khỉ – căn bệnh đã lây lan tới hơn 70 nước với gần 17.000 người mắc chỉ trong vài tuần.
50 đột biến
Đậu mùa khỉ thoạt đầu chỉ xuất hiện ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới nhưng nay đã bắt đầu xuất hiện ở cả trẻ em.
“Đánh giá của WHO là nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình trên toàn cầu, ngoại trừ khu vực châu Âu – nơi chúng tôi đánh giá nguy cơ là cao”, ông Tedros cung cấp thêm thông tin sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì đậu mùa khỉ vào ngày 23-7.
Theo các phân tích gene sơ bộ các mẫu bệnh phẩm lấy từ người nhiễm bệnh, bộ gene bệnh đậu mùa khỉ đã có gần 50 đột biến kể từ năm 2018, nhiều hơn 6 hoặc 7 đột biến so với ước tính ban đầu của giới khoa học, theo báo New York Times.
Không rõ liệu các đột biến có làm thay đổi phương thức lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh hay không. Tuy nhiên, phân tích ban đầu cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể đã thích nghi để lây lan giữa người với người dễ dàng hơn so với trước năm 2018.
Theo ông Tedros, do đậu mùa khỉ bùng phát “tập trung ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình” nên có thể ngăn chặn căn bệnh này lây lan bằng các chiến lược phù hợp với nhóm này.
Mặc dù bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi, các nhà nghiên cứu vẫn đang đánh giá các con đường lây truyền trong đợt bùng phát hiện tại. Nhiều người trong số những người bị nhiễm cho biết họ không xác định được nguồn lây nhiễm, một dấu hiệu cho thấy sự lây lan trong cộng đồng đã không bị phát hiện trong thời gian dài.
Cần quốc tế phối hợp
Tuyên bố của WHO ngày 23-7 được ví tương đương một phát súng lệnh đòi hỏi các phản ứng quốc tế phối hợp. Đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thứ bảy kể từ năm 2007.
Gần như chắc chắn các nước thành viên sẽ bắt đầu đầu tư nguồn lực đáng kể để kiểm soát và ngăn chặn một đợt bùng phát. Trong trường hợp lý tưởng nhất, cảnh báo này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các quốc gia chia sẻ vắc xin, phương pháp điều trị và các nguồn lực quan trọng khác để chặn đứng làn sóng lây nhiễm.
Ông Raj Panjabi, giám đốc cấp cao của Đơn vị phụ trách an ninh y tế toàn cầu và an ninh sinh học của Nhà Trắng, kêu gọi sự phản ứng phối hợp quốc tế để ngăn chặn đà lây lan và bảo vệ các cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
Tiến sĩ James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm an ninh y tế toàn cầu của Đại học Nebraska (Mỹ), ước tính có thể mất một năm hoặc hơn để kiểm soát đợt bùng phát đậu mùa khỉ. Khi đó, virus này có khả năng đã lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người, thậm chí là bệnh lưu hành ở một số nước.
Với bệnh đậu mùa khỉ, một khi đợt bùng phát càng kéo dài, khả năng virus di chuyển từ người bị nhiễm sang quần thể động vật càng lớn. Bởi vì điều đó, mầm bệnh sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn và thi thoảng sẽ gây ra các đợt bùng dịch mới ở người.
Ông Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins tại Trường Y tế công cộng Bloomberg (Mỹ), nhấn mạnh đại dịch COVID-19 và sự gia tăng của bệnh đậu mùa khỉ nên được coi là lời cảnh báo cho các chính phủ cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch mới kể cả khi WHO không báo động.
Có nguy cơ xâm nhập Việt Nam
Tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế và WHO tại Việt Nam vào chiều 24-7, ông Nguyễn Lương Tâm, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 – nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh.
Tuy nhiên, ông Tâm cảnh báo: “Nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam là hoàn toàn có thể do dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều quốc gia cũng như sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Trong khi đó, tại Việt Nam trong tháng 4 và tháng 5 đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ”.
Nguồn: tuoitre.vn