151 cây thông 30 năm tuổi, đường kính gốc 15 – 60cm đã bị đầu độc bằng cách khoan nhiều lỗ trên thân cây rồi đổ thuốc diệt cỏ vào bên trong. Khoảng 8.500m2 rừng thông bị đầu độc đều bắt đầu chết khô.
Ngày 17-10, Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra xác định đối tượng dùng thuốc diệt cỏ đầu độc 151 cây thông 3 lá hơn 30 năm tuổi tại địa bàn xã Tà Nung, TP Đà Lạt.
Ông Võ Thanh Sơn – hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt – cho biết khu vực thông rừng bị đầu độc thuộc lô a2, khoảnh 11, tiểu khu 160B, thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Khu vực thông rừng bị đổ thuốc diệt cỏ chết nằm cạnh tỉnh lộ 725, nối TP Đà Lạt và Đắk Lắk.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định 151 cây thông 30 năm tuổi, đường kính gốc trung bình 15 – 60cm, cao 12 – 16m đã bị đầu độc bằng cách khoan nhiều lỗ trên thân cây rồi đổ thuốc diệt cỏ vào bên trong.
Cơ quan chức năng nhận định, các cây thông rừng bị đầu độc cách đây khoảng 1 tháng.
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong khu vực này có 1 bình thuốc diệt cỏ khoảng 0,5 lít đã sử dụng hết. Đồng thời thu giữ một điện thoại di động tại hiện trường.
Từ đầu mối chiếc điện thoại, Công an TP Đà Lạt xác định được 3 nghi can gồm L.V.D. (29 tuổi), Đ.V.D. (46 tuổi) và Đ.H. (41 tuổi), đều tạm trú xã Tà Nung.
Qua làm việc, cơ quan chức năng xác định được chiếc điện thoại rơi tại hiện trường thuộc sở hữu của ông L.V.D., tuy nhiên những người liên quan đều không thừa nhận hành vi đầu độc cây thông.
Đổ thuốc diệt cỏ vào lỗ khoan trên cây thông là một trong những hình thức đầu độc thông rừng phổ biến tại tại Lâm Đồng, thường được gọi là ken cây.
Cây thông bị ken thường không chết ngay mà khoảng 1 tuần sau mới có dấu hiệu úa lá, và chết dần trong khoảng thời gian 1 tháng.
Do thời gian từ lúc đầu độc đến lúc phát hiện dấu hiệu dài nên khi phát hiện không thể giải độc cho cây.
Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, ở các địa bàn nhiều thông như Đà Lạt và vùng lân cận xảy ra 73 vụ đầu độc thông rừng. Trong đó, xử phạt hành chính 60 vụ, khởi tố hình sự 4 vụ, số vụ còn lại đang điều tra mở rộng.
Trong năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra hơn 1.500 vụ vi phạm Luật quản lý và phát triển rừng, số vụ phá rừng bằng các hành vi đầu độc, chặt hạ chiếm 23%.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng), ken cây – đầu độc thông rừng bị xếp vào hành vi phá rừng và khung hình phạt rộng, tùy theo mức độ vi phạm và loại rừng bị phá như rừng sản xuất, rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng.
Người vi phạm bị phạt 300.000 – 50 triệu đồng tùy vào diện tích, lượng cây bị phá.
Người vi phạm nếu có hành vi phá rừng vượt ngưỡng 5000m2 (rừng sản xuất) , 3000m2 (rừng phòng hộ), 1000m2 (rừng đặc dụng) thì bị xử lý hình sự với khung hình phạt 6 tháng đến 3 năm.
Nguồn: tuoitre.vn