Đây là quan điểm của PGS. TS Nguyễn Huy Nga xung quanh việc thực hiện cách ly F1 hiện nay tại Hà Nội.
Quy định cách ly F1 đã “nới hết cỡ”
Những ngày vừa qua, Hà Nội có số ca mắc Covid-19 tăng cao, kéo theo đó số F1, F2 cũng tăng. Đơn cử như trong ngày 9/12, Thành phố ghi nhận thêm 2.367 trường hợp F1, cộng dồn số F1 (từ 29/4 đến nay) là 59.755 trường hợp.
Hiện Hà Nội đã cho phép F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, công tác thực hiện cách ly F1 còn nhiều bất cập, gây tốn kém, phiền hà cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Cao Cương cho biết, theo quy định F1 nếu đủ điều kiện thì được cách ly tại nhà và F2 từ trước đến nay cũng cách ly ở nhà chờ kết quả xét nghiệm của F1.
|
Ảnh minh hoạ |
Trả lời câu hỏi có nên nới rộng các quy định cách ly đối với F1 hay không? Ví dụ như ở quận Nam Từ Liêm đã đồng ý để F1 cách ly ở nhà dù chỉ có một nhà vệ sinh. Với điều kiện gia đình cam kết F1 có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng những thành viên còn lại không đi chung mà sang nhà hàng xóm đi nhờ…
Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng ‘đấy là cách làm sáng tạo’ của địa phương nhưng theo quy định “không nhờ được”. Trong tình huống nếu nhà đang ở không đủ điều kiện nhưng có nhiều nhà thì những người không phải F1 trong gia đình có thể chuyển đi chỗ khác để F1 ở đó thì cũng không vấn đề gì.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng hiện F0, F1 đều được cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện. Hiện các điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà đã được nới lỏng rất nhiều.
“Việc cách ly tại nhà phải đủ điều kiện phòng ở, nhà vệ sinh… Đấy là nguyên tắc cách ly phòng bệnh truyền nhiễm đã được Bộ Y tế quy định. Theo tôi, không rút được gì về phòng bệnh cách ly”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Cần phân loại F1 cho đúng
Trái ngược với quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Hà Nội không cần thiết yêu cầu tất cả F1 đi cách ly tập trung.
Vì F1 nên để ở nhà, họ có thể tự làm việc ở nhà. Bởi vì tỷ lệ F1 thành F0 trong thời gian vừa rồi rất thấp. Cứ 100 người chỉ có 7-10 người thành F0 thôi, đó là chưa tính khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly”.
“Như vậy 90 người không có biểu hiện, không bị gì cả, ‘nhốt’ họ làm gì?”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu vấn đề.
Phản bác lại ý kiến “đã nới hết cỡ các quy định cách ly đối với F0, F1” ông Nga cho rằng “như thế phải phân loại cho đúng”.
Theo tôi chúng ta nên phân loại làm sao thật sát, chứ còn cứ bắt cách ly tập trung hoặc cho ở nhà (với điều kiện phòng riêng, nhà vệ sinh riêng…) gây nhiều phiền toái, tốn kém và lãng phí nhân lực. Điều này cho thấy việc phân loại của chúng ta kém”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, F1 phải là những người đứng cách không quá 2m, nói chuyện trên 15 phút và không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách…những trường hợp đó thì xác định là F1 thuộc diện phải cách ly (có thể đưa đi cách ly tập trung hoặc ở nhà nếu đủ điều kiện).
“Chứ vào một nhà hàng có một F0 thì cho là tất cả những người còn lại là F1, hoặc chỉ đi chung thang máy trong mấy giây, không giao tiếp, hoặc tiếp xúc chưa đến một phút mà xác định là F1 thì cũng không đúng”, ông Nga nhấn mạnh.
Hiện Bộ Y tế yêu cầu phải có riêng nhà vệ sinh, phòng ở riêng … là những điều kiện để F0, F1 được cách ly tại nhà nhưng theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, F0 thì cần phải làm chặt nhưng F1 thì “không nên làm chặt chẽ quá”.
Bình luận về việc sáng tạo của một số quận khi cho phép người dân được cách ly tại nhà dù chỉ có 1 nhà vệ sinh, thành viên còn lại đi nhờ nhà hàng xóm, ông Nga cho rằng “việc lây lan đó không lớn, họ chỉ là F1, trong khi 10 người F1 chỉ có 1 người lên F0”.
“Điều quan trọng là tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hành các biện pháp phòng dịch đúng.
Cụ thể đó là khi gia đình có F1 (có nhiều phòng nhưng chỉ có một nhà vệ sinh- PV) thì không ăn chung, uống chung, đảm bảo giãn cách, không tiếp xúc với nhau, bố trí giờ giấc lệch nhau. Khi đi vệ sinh không khạc nhổ trong nhà vệ sinh, phải lau dọn nhà vệ sinh, thông gió thường xuyên.
Sau mỗi lần vào nhà vệ sinh xong, cần cọ rửa các bề mặt, xịt cồn 90 độ lên trần nhà, trên các bề mặt trong đó”, ông Nga cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia dịch tễ khác cũng cho rằng Quy định hiện nay của Bộ Y tế như thế nhưng thực tế vẫn có thể linh động. Vì nếu không tiếp xúc gần, đi vệ sinh xong khử khuẩn chân tay, nhà vệ sinh ngay… thì cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên để thực hiện được điều này đòi hỏi người dân phải rất tuân thủ các nguyên tắc, thao tác phòng dịch.
Nguồn: vietnamnet