Trong năm 2018, 10 thảm họa thiên tai gây thiệt hại kinh tế nhiều nhất lên đến gần 85 tỉ USD. Các thảm họa này đều có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu.
Tổ chức phi chính phủ Christian Aid của Anh đã công bố báo cáo với tựa đề “Đánh giá thiệt hại một năm rối loạn khí hậu”.
Dựa theo số liệu của các công ty tái bảo hiểm, các ngân hàng và các chính phủ, Christian Aid đã chọn ra 10 thảm họa thiên tai có nguồn gốc từ biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề hơn hết với mức thiệt hại kinh tế tổng cộng 84,8 tỉ USD, chưa kể thiệt hại về người và tài sản bảo hiểm.
Hậu quả của biến đổi khí hậu không còn nhỏ nữa. Chúng ta đã nhìn thấy các điều kiện khí tượng thế giới ngày càng trở nên cực đoan. Điều duy nhất có thể ngăn chặn là nhanh chóng giảm phá t khí thải carbon.
Giáo sư Michael Mann tại Đại học Quốc gia Pennsylvania
1. Bão Florence et bão Michael ở Mỹ
Hai siêu bão Florence và Michael hoành hành tại Mỹ, một phần khu vực Caribbean và Trung Mỹ vào tháng 9 và tháng 10-2018 đã gây thiệt hại tổng cộng 32 tỉ USD, trong đó bão Florence gây thiệt hại 17 tỉ USD còn 15 tỉ USD thuộc về bão Michael.
2. Cháy rừng ở bang California (Mỹ)
Hai đám cháy rừng lớn ở bang California vào tháng 11-2018 đã tàn phá thành phố Paradise và hơn 100.000 hecta rừng. Mức thiệt hại ước tính từ 9 tỉ USD đến 13 tỉ USD.
3. Ngập lụt ở Nhật
Cơn bão Jebi càn quét nước Nhật vào mùa thu cùng với mưa lớn với lượng mưa kỷ lục vào mùa hè đã gây ngập lụt nghiêm trọng và lũ bùn tại miền tây nước Nhật. Mức thiệt hại ước tính từ 9,3 tỉ USD đến 12,5 tỉ USD.
4. Ngập lụt tại Trung Quốc
Tương tự Nhật, mưa lớn kéo dài tại Trung Quốc từ tháng 7-2018 đã gây cảnh đại hồng thủy tại nhiều địa phương. Mức thiệt hại ước tính lên đến 9,3 tỉ USD.
5. Khô hạn ở Úc
Từ tháng 8-2018, Úc phải chịu cảnh khô hạn với mức độ chưa từng thấy trong 50 năm qua. Bang New South Wales bị nặng nhất. Khô hạn gây thiệt hại từ 5,8 tỉ USD đến 9 tỉ USD. Nhiều chủ nuôi phải giết hạ gia súc do thiếu đồng cỏ.
6. Khô hạn ở châu Âu
Sau mùa hè nắng đổ lửa, khô hạn xảy ra từ đầu mùa thu ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt kéo dài dai dẳng trong tháng 10-2018 ở các nước Trung Ấu và Bắc Âu. Tại miền bắc và miền đông nước Đức, đây là đợt khô hạn nặng nề nhất trong 140 năm qua. Thiệt hại toàn châu Âu khoảng 7,5 tỉ USD.
7. Khô hạn tại Argentina
Tình hình nắng nóng và khô hạn xảy ra ở Argentina từ đầu năm 2018. Đây là đợt khô hạn tệ hại nhất trong vòng 30 năm qua, tác động rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của quốc gia sản xuất đầu nành thứ ba thế giới. Mức thiệt hại ước tính 6 tỉ USD.
8. Ngập lụt ở Ấn Độ
Mùa mưa năm nay, mưa to và lũ lụt đã tàn phá miền nam Ấn Độ với mức độ nặng nề chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, đặc biệt tại bang Kerala. Mức thiệt hại khoảng 3,7 tỉ USD.
9. Khô hạn ở Cape Town (Nam Phi)
Trận hạn hán xảy ra ở Cape Town có mức độ nghiêm trọng nhất trong gần bốn thế kỷ qua và kéo dài đã ba năm. Chính quyền phải quy định xài nước máy theo tiêu chuẩn phân phối. Ước tính mức thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD.
10. Bão Mangkhut ở Philippines và Trung Quốc
Siêu bão Mangkhut đổ bộ vào Philippines và Trung Quốc vào trung tuần tháng 9-2018 đã gây thiệt hại nặng nề với mức thiệt hại từ 1 tỉ USD đến 2 tỉ USD. Vào lúc đổ bộ, bão có cường độ mạnh nhất thế giới (cấp 17).
Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của công ty bảo hiểm Swiss Reinsurance của Thụy Sĩ, tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai và thảm họa do con người gây ra trong năm 2108 ước tính là 155 tỉ USD, giảm một nửa so với con số 350 tỉ USD trong năm 2017.
Báo cáo thường niên công bố ngày 28-12 của công ty trên cho biết thảm họa thiên nhiên trong năm nay gây thiệt hại 146 tỉ USD, trong khi thiệt hại trong các thảm họa do con người gây ra là 9 tỉ USD.
Trên quy mô toàn cầu, hơn 11.000 người đã thiệt mạng hoặc mất tích vì thảm họa trong năm 2018, tương đương với số nạn nhân trong năm 2017. Động đất ở tỉnh Trung Sulawesi, miền Trung Indonesia, hồi tháng 9 vừa qua là thảm họa gây thương vong nhiều nhất trong năm 2018, với hơn 3.500 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Theo Swiss Reinsurance, không có sự kiện thảm họa thiên nhiên lớn riêng lẻ trong năm 2018. Tuy nhiên, thiệt hại tổng cộng của một loạt sự kiện nhỏ và vừa, cùng với một số thảm họa lớn do con người gây ra, đã đẩy tổng số thiệt hại được bảo hiểm lên cao.
Các sự kiện thảm họa gây thiệt hại ở quy mô nhỏ và vừa cũng ảnh hưởng tới nhiều khu vực được bảo hiểm. Thiệt hại được bảo hiểm trên toàn cầu ước tính khoảng 79 tỉ USD trong năm 2018, khiến năm nay xếp ở vị trí thứ tư về con số chi bảo hiểm nhiều nhất, nếu xét về tổng tổng thiệt hại được công ty này bảo hiểm, cao hơn mức trung bình hằng năm trong vòng 10 năm qua.
Nguồn: vietnamnet