Được Quốc hội thí điểm cơ chế đặc thù, chiến dịch dẹp vỉa hè, giải quyết kẹt xe khu sân bay Tân Sơn Nhất… là những sự kiện tiêu biểu của thành phố.
Kết quả này còn căn cứ vào ý kiến của người dân trên trang tin điện tử TP HCM, mà cơ quan chức năng tiếp nhận.
Chiến dịch dẹp vỉa hè ở TP HCM. Ảnh: Duy Trần.
|
TP HCM nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè
Mong muốn biến trung tâm Sài Gòn thành Singapore thu nhỏ, đoàn liên ngành quận 1 do Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đã xuống đường dỡ bỏ những công trình vi phạm hành lang vỉa hè.
Những cửa hàng, quán nhậu, ôtô, công trình lấn chiếm, xe biển xanh, đỏ, tháo dỡ nhiều hạng mục chiếm vỉa hè của Ngân hàng nhà nước, Bộ công thương, Đài Tiếng nói thành phố (VOV), khách sạn 5 sao như New World, Majestic… với phương châm “Nhà nước phải gương mẫu, người dân mới làm theo”.
Hành động quyết liệt của ông Phó chủ tịch quận 1 gây tiếng vang lớn đồng thời làm dấy lên những tranh cãi. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, ông Hải bị một số người phản ứng vì cho rằng ông hành xử có lý nhưng không có tình.
Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè của quận 1 được lãnh đạo TP HCM đánh giá cao, xem là điển hình và yêu cầu tất cả các quận huyện làm theo.
Trong 9 tháng hành động quyết liệt, hàng trăm tuyến đường của thành phố đã thông thoáng. Tuy vậy, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận “đẩy đuổi hàng rong là không nhân văn” bởi hàng thập niên qua, bao người đã sống nhờ vỉa hè, nuôi cả gia đình.
TP HCM cũng xác định việc lập lại trật tự vỉa hè thời gian tới theo một lộ trình với các giải pháp đồng bộ, bền vững, không mang tính phong trào.
Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM
Mong muốn được trao quyền nhiều hơn để phát triển đã được các thế hệ lãnh đạo TP HCM ấp ủ từ 12 năm trước – khi hàng loạt bất cập bộc lộ song song với sự phát triển.
Đó là, sụt giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh. Yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường sống có xu hướng gia tăng. Thành phố cũng là điểm trũng của tội phạm, là nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất nước.
Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11 sau thời gian dài bàn cãi. Thành phố được trao quyền trong một số lĩnh vực như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Nghị quyết là “quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời”, còn Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng có cơ chế, thành phố như có cờ trong tay để phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp vẫn là bài toán nan giải.
TP HCM thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng
Thành phố vượt 16/19 chỉ tiêu kế hoạch năm. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng 8,25% so với 8,05% của năm ngoái.
Thu ngân sách thành phố thực hiện 347.982 tỷ đồng, tăng 12,94%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,89%.
Khách quốc tế đến thành phố đạt 6,4 triệu lượt, tăng 22,88%.
Xuất khẩu hàng hóa đạt 35,2 tỷ đôla, tăng 15,1%; nhập khẩu đạt 43 tỷ đôla, tăng 13,2%.
TP HCM xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Vũ Lê
|
Công bố đề án xây dựng thành phố thông minh
Đề án Thành phố thông minh với 4 mục tiêu gồm: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững; quản trị đô thị hiệu quả; nâng cao chất lượng, môi trường sống, làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, thành phố xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. TP HCM sẽ mang dáng dấp của một siêu đô thị, một thành phố thông minh.
Tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Chung tinh thần cả nước cũng như chỉ đạo của Thủ tướng về khởi nghiệp, TP HCM luôn khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới. Đây cũng là một phần trong việc xây dựng đề án thông minh của thành phố.
Theo tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế Oxford Economics của Anh, TP HCM đứng thứ 2 châu Á về tăng trưởng nhanh. Tổng số doanh nghiệp mới thành lập vượt ngưỡng 41.000, tăng 15% so cùng kỳ.
Thu hút hơn 6 triệu lượt du khách quốc tế
Thành phố ước tính đón hơn 6,4 triệu lượt du khách quốc tế, đạt 110% kế hoạch năm, tăng 22,8% so với năm ngoái.
Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt gần 116.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách Trung Quốc đến thành phố đông nhất, kế đến là khách Hàn Quốc.
Cầu vượt ở ngã 6 Gò Vấp, hướng vào sân bay. Ảnh: Quỳnh Trần.
|
Giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ thành phố
TP HCM khánh thành nhiều cầu vượt, đường mới cùng các công trình hạ tầng giao thông để một phần giải tỏa kẹt xe tại các vị trí cửa ngõ thành phố, như: đường dẫn vào cảng Cát Lái, xây cầu mở nút thắt trên đại lộ Võ Văn Kiệt.
Trong đó, hiệu quả rõ nhất là đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt xung quanh sân bay Tân Sân Nhất để giải tỏa kẹt xe.
Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức
TP HCM bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP HCM” trong hồ sơ tuyển dụng viên chức, đồng thời hủy điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TP HCM” khi tuyển dụng công chức và xếp lương khi bổ nhiệm.
TP HCM chung tay cùng cả nước khắc phục thiên tai
TP HCM tổ chức nhiều đoàn đến các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng do các cơn bão Damrey (Nam Trung bộ) và Doksori (Bắc Trung bộ) hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để giúp người dân khắc phục hậu quả. Điều này thể hiện sự nghĩa tình không chỉ với người dân thành phố mà cả tỉnh bạn.
Tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thế giới TP HCM – Gyeongju 2017
Sự kiện do tỉnh Gyeongsangbuk, thành phố Gyeongju của Hàn Quốc phối hợp TP HCM tổ chức trong 23 ngày tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên 23/9, Nhà hát lớn Thành phố…
Lễ hội đưa ra các hoạt động đa dạng để mọi thực khách tham gia tìm hiểu văn hóa và lịch sử lâu đời không chỉ của Hàn Quốc và Việt Nam mà còn của các Quốc gia khác tại Châu Á với chủ đề “Giao lưu văn hóa vì một Châu Á thịnh vượng”.
Theo VnExpress