Cả nước có 1.121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3.932 nguồn. Nhưng mỗi năm chỉ kiểm tra được 120 cơ sở.

 

10 năm mới kiểm tra hết lượt nguồn phóng xạ - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo 

Ngày 1-12, tại hội nghị tổng kết Thanh tra chuyên đề của Bộ năm 2017 về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết qua đợt thanh tra này, có 84 cơ sở quản lý các nguồn phóng xạ bị xử phạt với tổng số tiền 552 triệu đồng.

Ngoài xử phạt tiền, cơ quan thanh tra cũng đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ; buộc bổ nhiệm người phụ trách an toàn…

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các vi phạm chủ yếu của các cơ sở có nguồn phóng xạ và cơ sở X quang là không khai báo giấy phép tiến hành các công việc bức xạ, không lập và lưu giữ hồ sơ an toàn bức xạ, thiếu chứng chỉ nhân viên bức xạ, thiếu kiểm soát liều chiếu xạ, không kiểm đếm nguồn phóng xạ, không lập kế hoạch ứng phó sự cố, thiếu chỉ dẫn an tòan, an ninh, cảnh báo bức xạ, không kiểm định khu cực làm việc có bức xạ…

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Quá trình chuyển giao hoạt động giữa các chủ thể quản lý nguồn phóng xạ đã gây ra nhiều sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ.

 Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, tính tới cuối 2016, cả nước có 1.121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3.932 nguồn.

Tính trung bình, mỗi năm cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ hạt nhân chỉ kiểm tra được 120 cơ sở, chiếm tỷ lệ 10,7% tổng số cơ sở sử dụng phóng xạ trong cả nước.

Như vậy, phải 10 năm, cơ quản quản lý mới kiểm tra hết lượt số nguồn phóng xạ trong cả nước và có những nguồn phóng xạ cả chục năm mới được kiểm tra lại.

Từ kết quả thanh tra này, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ đề xuất sửa đổi văn bản chính sách trong Luật năng lượng nguyên tử về trách nhiệm đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp phép tiến hành công việc bức xạ.

Đồng thời, từ tình hình thực tế, cũng cần sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ định kỳ hằng năm gửi về cơ quan quản lý không trung thực.

“Thông tin tuyên truyền về nguồn phóng xạ và an toàn bức xạ hạt nhân là rất quan trọng. Thế giới quy định về việc này rất chặt chẽ, nhưng ở ta, lĩnh vực phóng xạ còn mới, hiểu biết của nhân dân hạn chế. Số người có kiến thức về vật lý hạt nhân cũng hạn chế. Lo nhất là mất nguồn phóng xạ”, ông Phạm Công Tạc nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ khoa học công nghệBỨC XẠhồ sơnguồn phóng xạ

Các tin liên quan đến bài viết