Thời gian gần đây, người tiêu dùng hết sức hoang mang trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan khi các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện những vụ bơm, pha trộn tạp chất vào tôm, cà phê…
Đầu tháng 3 vừa qua, lực lượng công an kiểm tra bắt quả tang 1 cơ sở pha trộn tạp chất vào hạt tiêu bán cho người tiêu dùng để thu lợi bất chính tại thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập. Sáng 25-3, lực lượng công an tiếp tục khám phá thêm 1 điểm pha trộn tạp chất tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng.
Phía trước căn nhà được Lê Văn Long thuê để pha trộn tạp chất vào hạt tiêu
Khoảng 6 giờ sáng 25-3, lực lượng Công an huyện Phú Riềng kiểm tra điểm thu mua hạt tiêu tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn do chị Dư Thị Mãi, 28 tuổi (trú thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập) và anh Lê Văn Long, 31 tuổi (hộ khẩu thường trú khu phố 3, phường Thành Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, tạm trú tại xã Bình Sơn) cùng làm chủ. Lực lượng công an phát hiện ngay phía sau ngôi nhà có 2 người (Dư Công Hoàng, 49 tuổi, trú tỉnh Thanh Hóa và Lê Ích Tư, 37 tuổi, trú xã Đa Kia) đang pha trộn các loại tạp chất không có nhãn mác ghi nguồn gốc, nấu trong 2 nồi lớn để tạo thành một loại tạp chất dẻo, màu nâu sẫm và có mùi hôi. Hai người này cho biết, sau khi nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ thì múc tạp chất này ra trộn với hạt tiêu lép theo công thức 1 nồi tạp chất 60 lít trộn với 60kg hạt tiêu lép rồi phơi khô để biến hạt tiêu lép thành tiêu có trọng lượng nặng hơn và màu đen hơn.
Qua làm việc, Lê Văn Long thừa nhận: “Tôi và Mãi chung nhau thuê căn nhà này để làm điểm thu mua và tập kết hạt tiêu. Hằng ngày Mãi đi thu mua hạt tiêu trong dân, sau đó đem về phân loại. Riêng số hạt tiêu lép bán lại cho tôi với giá rẻ. Sau đó, tôi thuê người nấu tạp chất pha trộn với tiêu lép nhằm bán được giá cao hơn. Mỗi ngày tôi cho pha trộn trên 200kg hạt tiêu lép để tăng trọng lượng lên khoảng 250kg hạt tiêu có chất lượng cao hơn. Khi bán ra thị trường thì thu lãi khoảng trên 2,5 triệu đồng”.
Chủ hàng Lê Văn Long còn cho biết thêm, những tạp chất pha trộn với hạt tiêu chủ yếu là bột bắp xay nhuyễn và một loại tinh bột màu đỏ sẫm (nhờ người mua tại TP. Hồ Chí Minh, khi đổ vào nước sẽ chuyển màu đen). Hạt tiêu sau khi pha trộn thành phẩm sẽ bán cho thương lái rồi đem tiêu thụ ở các chợ trong và ngoài tỉnh.
Lê Ích Tư đang nấu tạp chất để trộn vào hạt tiêu
Anh Nguyễn Minh Hùng, nhà ở sát điểm thu mua tiêu của Lê Văn Long cho biết, mặc dù gia đình anh và nhiều người ở gần nhưng không hề biết cơ sở này lại táo tợn pha trộn tạp chất vào hạt tiêu như thế. Chính họ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu hạt tiêu của địa phương. “Đề nghị lực lượng công an xử lý nghiêm để làm gương cho người khác và bảo vệ thương hiệu hạt tiêu của quê hương” – anh Hùng kiến nghị.
Lực lượng công an đã tạm giữ 16 bao tinh bột màu vàng trọng lượng 315kg, 1 bịch tinh bột màu đỏ sẫm 1,9kg để phân tích, giám định thành phần; đồng thời tạm giữ 1.051kg hạt tiêu đã trộn tạp chất và 580kg hạt tiêu khô là nguyên liệu để pha trộn.
Điều đáng nói là cơ sở thu mua hạt tiêu này không hề có các loại giấy tờ đăng ký kinh doanh mà vẫn hoạt động. Riêng người điều hành hoạt động của điểm thu mua (Lê Văn Long) có mối quan hệ gia đình với cơ sở pha trộn tạp chất vào hạt tiêu tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập đã bị lực lượng công an phát hiện bắt quả tang ngày 4-3-2017. Rõ ràng đây là hành vi xem thường pháp luật để làm ăn gian dối của các đối tượng, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những nông dân nhiều năm canh tác hồ tiêu. Mong rằng các lực lượng chức năng và người dân cùng chung tay triệt bỏ những hành vi trên hoặc tương tự để đảm bảo chất lượng hạt tiêu và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp mạnh để nghiêm trị hành vi gian lận này. Có như vậy cây tiêu ở Bình Phước và người trồng tiêu trong cả nước mới có cơ hội phát triển bền vững.
Công an huyện Phú Riềng lập biên bản Lê Văn Long chủ địa điểm thu mua, tập kết rồi trộn tạp chất vào hạt tiêu
Văn Thủy – Huấn Lê