Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu |
Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm xảy ra trong thời kỳ họ đang là cán bộ, công chức, viên chức thì cần phải được xem xét giải quyết để đảm bảo khách quan, không để sót, để lọt hành vi vi phạm” |
Tổng Thanh tra Chính phủ PHAN VĂN SÁU |
Theo ông Sáu, “có ý kiến đề nghị không quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức vì khi đó họ không còn là cán bộ, công chức, viên chức”. “Chính phủ giải trình như sau: cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm xảy ra trong thời kỳ họ đang là cán bộ, công chức, viên chức thì cần phải được xem xét giải quyết để đảm bảo khách quan, không để sót, để lọt hành vi vi phạm” – Tổng thanh tra khẳng định quan điểm của Chính phủ. Ông nói thêm: “Trên thực tế hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Đảng vẫn xử lý đối với những trường hợp này”. Đối với các hình thức tố cáo, người đứng đầu cơ quan thanh tra của Chính phủ cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. Tuy vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định hai hình thức tố cáo như trong dự thảo luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết. “Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi” – ông Sáu giải thích. Giải thích trên không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Pháp luật. “Vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói. Nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (tương tự quy định của Bộ luật dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng…) cần quy định hai hình thức là tố cáo bằng văn bản (thay tố cáo bằng đơn) và tố cáo bằng lời nói (thay cho tố cáo trực tiếp). Trong đó, hình thức tố cáo bằng văn bản gồm có đơn bằng giấy, thư điện tử hoặc bản fax; hình thức tố cáo bằng lời nói gồm có: trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc trình bày qua điện thoại.