Đây là chỉ đạo và cũng là mong muốn của Chánh án TAND Tối cao đối với TAND TP.HCM trong hội nghị tổng kết công tác 2 cấp tòa ngày 16-1.
Tuyệt đối không để xảy ra án oan
Ông Nguyễn Hòa Bình – chánh án TAND Tối cao, tại hội nghị

Tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương – chánh án TAND TP.HCM – cho biết năm 2016 TAND TP.HCM đã xét xử hơn 56.000 vụ việc các loại, trong đó, số vụ án thụ lý tăng lên 1% so với năm 2015. Trong số vụ án, vụ việc được giải quyết, mảng án Hình sự là một trong những mảng chiếm tỷ lệ án khá lớn của thành phố. Đồng thời, năm 2016 cũng là năm TAND TP đưa ra xét xử nhiều vụ án trọng điểm, án phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Dù trong năm 2016 2 cấp tòa đã thụ lý và xét xử hơn 8.400 vụ án hình sự nhưng không để xảy ra một vụ oan sai nào, công tác xét xử đảm bảo đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Một số vụ án điểm mà dư luận đặc biệt quan tâm như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát số tiền lên tới 9.000 tỉ đồng và một số vụ án khác đã được HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại tòa khi phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhằm tránh để lọt người lọt tội.

Tuyệt đối không để xảy ra những vụ “Xin Chào”, “cướp bánh mì”
Thừa nhận việc yêu cầu 2 cấp tòa thành phố không được để xảy ra án oan là việc rất khó, nhưng ông Nguyễn Hòa Bình – chánh án TAND Tối cao – yêu cầu TP.HCM phải thực hiện được, bởi ông tin TP.HCM có lực lượng thẩm phán được đánh giá đồng đều và được đào tạo bài bản, chất lượng. Ông Bình cũng cho rằng, TP.HCM đã làm tốt cả 55.000 vụ án, nhưng chỉ cần xảy ra một vụ như vụ “cướp bánh mì” thì dư luận cả nước chỉ quan tâm đến vụ cướp bánh mì chứ không nhìn nhận về 55.000 vụ án khác đã được xét xử. Do đó, ông Bình yêu cầu, trong năm tới nhất định TP.HCM không để xảy ra bất kể vụ nào tương tự như vụ “Xin Chào” hay vụ “cướp bánh mì”, vì những vụ án như vậy làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp. Muốn cải cách nền tư pháp, thì phải cải cách và bắt đầu từ những vụ án nhỏ như vậy. Ông Bình cũng yêu cầu, với chủ trương đưa các bản án, quyết định lên mạng cho toàn dân được tiếp cận và giám sát thì TP.HCM nên đi đầu trong công tác này, để đây là nơi đầu tiên đưa bản án lên mạng.
Còn hơn 1.200 bản án, quyết định bị hủy, sửa
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giải quyết án nhưng bà Ung Thị Xuân Hương cũng cho biết số lượng án hủy, án sửa là 1273 vụ. Đặc biệt, án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán lên tới 522 vụ. Nói về vấn đề này, ông Tất Thành Cang – phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – đề nghị: “Với vai trò là cơ quan xét xử và bảo vệ công lý, phán quyết của tòa án phải đảm bảo chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Ông Cang cũng đề nghị các cấp tòa thành phố cần phải có kế hoạch và giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng xét xử và giải quyết các loại án, tập trung giải quyết triệt để án tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát hoạt động xét xử, ông Bình đã nhắn nhủ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng (tham dự hội nghị) nhờ ông Thăng quan tâm giúp đến việc đầu tư cơ sở vật chất để 2 cấp tòa tại TP.HCM có thể thực hiện việc xét xử trực tuyến, chánh án tòa và viện trưởng VKS có thể xem xét xử vụ án trực tuyến. “Nếu thực hiện được việc này, thì chẳng ông thẩm phán, kiểm sát viên nào dám xét xử không đúng, thậm chí, phải đúng chuẩn mực, tuân thủ nghiêm pháp luật tại phiên tòa”, ông Bình đề nghị.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chánh ánhội nghịnền tư phápTANDvụ án

Các tin liên quan đến bài viết