Cuộc thi tuyển “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhận hồ sơ dự thi từ ngày 19 đến hết 23-1-2017.
Treo thưởng 6,5 tỉ đồng chống kẹt xe Hà Nội
Nhiều đường phố Hà Nội thường xuyên xảy ra kẹt xe. Trong ảnh: xe cộ kẹt cứng trên đường Tây Sơn (Hà Nội) chiều 12-1 

Sáng 12-1, UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã phát động cuộc thi này. Giải thích vì sao đưa ra thời gian nhận hồ sơ dự thi ngắn như trên, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết việc giới hạn thời gian nhận hồ sơ dự thi nhằm tạo cơ hội cho những tổ chức đã có tâm huyết, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, có am hiểu về giao thông Hà Nội từ nhiều 
năm nay tham gia.

Đối tượng dự thi là các đơn vị tư vấn
Việc thi tuyển nói trên sẽ thực hiện theo hình thức thi tuyển hạn chế, thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín. Đối tượng dự thi là các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế. Các phương án dự thi phải nộp trước 17g ngày 27-4. Thời gian bảo vệ phương án từ ngày 27-4 đến 10-5. Kết quả thi vấn dự kiến được công bố, trao thưởng trong thời gian từ ngày 10 đến 25-5. Giải thưởng của cuộc thi gồm một giải nhất trị giá 200.000 USD, một giải nhì trị giá 100.000 USD; mỗi phương án tham gia dự thi có đầy đủ hồ sơ và chất lượng được hỗ trợ 25.000 USD. Theo ông Vũ Văn Viện, dù đã đầu tư nhiều hạ tầng, thực hiện nhiều biện pháp tổ chức giao thông nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong tổ chức giao thông, tai nạn ở mức cao, kẹt xe diễn biến phức tạp. Vì vậy Hà Nội cần đánh giá lại phương án tổ chức giao thông. Bên cạnh đó, năm 2016 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Do đó cần có phương án tổ chức giao thông mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt…Đây là lý do tổ chức cuộc thi tìm ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông nói trên. Lý giải về việc thi tuyển hạn chế, chỉ có tổ chức tham gia, ông Viện cho biết nhiệm vụ cuộc thi có khối lượng công việc rất lớn mang tính tổng thể như: đánh giá lại toàn bộ hiện trạng tổ chức giao thông ở Hà Nội; đánh giá các mô hình tổ chức giao thông trên thế giới và khu vực, rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Hà Nội…Trên cơ sở đó đề xuất ý tưởng kèm giải pháp thực hiện nên một cá nhân không làm được trong khi thời gian đòi hỏi đưa ra giải pháp nhanh. Vì vậy, cần tổ chức có năng lực, kinh nghiệm và bộ máy, công nghệ tốt để chạy được các phần mềm công nghệ mạnh về tổ chức giao thông một cách khoa học chứ không chỉ là đưa ra một vài ý tưởng nhỏ lẻ. “Giải thưởng không phải là nhỏ cũng nhằm mong muốn huy động được những nhà tư vấn trong và ngoài nước thực sự mạnh, chuyên nghiệp nhằm đưa ra cả ý tưởng lẫn phương án thực hiện để làm, chứ không phải bây giờ thi để tổng hợp các ý tưởng nhỏ lẻ” – ông Viện nói.
“Cái khó là thời gian, tiềm lực để thực hiện các giải pháp”
Trao đổi về cuộc thi nói trên, PGS.TS Nguyễn Quang Toản – nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội) – cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ai bàn về giao thông cũng có lý, ai cũng có thể “giở sách” ra để nói và “sách” đều giống nhau. Hỏi người Nhật Bản thì họ bảo chỉ có cách phát triển giao thông công cộng mới giải quyết được. Còn các ý kiến khác là kéo giãn dân số nội thành, dời cơ quan, đơn vị sản xuất ra khỏi nội thành để giảm áp lực giao thông, hạn chế xe cá nhân bằng cấm xe, tăng thuế…Tất cả các giải pháp như thế đều đúng, nhưng để có hiệu quả, phát huy tác dụng lại cần thời gian chuẩn bị tương đối dài, 15-20 năm.  Ai nói về các giải pháp trên cũng có lý nhưng quên rằng thời gian và tiềm lực để thực hiện việc đó là điểm vướng rất lớn. Tuy nhiên, ông Toản nhìn nhận việc tổ chức cuộc thi như Hà Nội đã công bố cũng góp phần nâng cao trình độ của dân chúng trong nhìn nhận về giao thông. Đồng thời để cơ quan chức năng biết những giải pháp mình đang thực hiện hay sẽ thực hiện sẽ phát huy tác dụng vào lúc nào và gây khó khăn cho giao thông trước 
mắt như thế nào. “Bây giờ mà đưa tiền vào làm công trình này, công trình kia, phát triển đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho Hà Nội thì cần vốn đầu tư rất lớn, không thể làm ngay. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp dài hơi thì không được từ chối giải pháp tình thế về giao thông. Ví dụ xây cầu vượt tại các ngã tư không giải quyết được lâu dài bài toán giao thông nhưng có tác dụng cải thiện ùn tắc trong một khoảng thời gian. Thực hiện những giải pháp tình thế như vậy có thể giải quyết ùn tắc ít nhưng làm yên lòng dân, tăng sức chịu đựng của dân chúng, làm dịu căng thẳng xã hội thì vẫn phải làm để có thời gian thực hiện các giải pháp dài hơi” 
- ông Toản nói. Ngoài ra, ông Toản cũng lưu ý với Hà Nội, TP.HCM, vấn đề không phải là đề ra giải pháp nào cho giao thông mà quan trọng phải nghĩ xem TP làm được cái gì. Vì vẽ quy hoạch mà không làm thì cũng chỉ là ý tưởng trên giấy trong khi Hà Nội có hàng trăm quy hoạch. “Hà Nội quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị không ai bảo là bất hợp lý, nhưng chỉ hợp lý khi đủ 8 tuyến. Trong khi 20-30 năm nữa có khi chưa làm đủ 8 tuyến” – ông Toản nhận định.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cuộc thiđơn vị tư vấngiải thưởnggiao thônghồ sơkẹt xephương ánthi tuyển

Các tin liên quan đến bài viết