Trang Al-Arabiya cho biết chính quyền Doha đã hoàn tất một hợp đồng mua thiết bị chống bạo loạn từ một công ty của Brazil.
​Qatar mua thêm vũ khí phòng tình huống xấu
Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trú đóng tại Qatar 

Theo trang của Ả rập, công ty của Brazil chuyên sản xuất vũ khí nhưng hợp đồng cụ thể với Qatar là gì thì không được tiết lộ nhưng chỉ biết đó là một hợp đồng lớn. Một số cơ quan thông tấn đoán già đoán non rằng đó là những thiết bị phòng chống và giải tán biểu tình cho cảnh sát chống bạo động. Hợp đồng được cho là nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu trong xã hội khi cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao với bốn nước Ả rập vùng Vịnh kéo dài.

An ninh dựa Thổ

 Lâu nay, theo thỏa thuận với các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), khi có sự biến trong nước, chính quyền Doha sẽ nhờ đến binh sĩ của các thành viên GCC. Ở chiều ngược lại, trên lãnh thổ của Qatar có căn sứ quân sự của Mỹ và lực lượng này được xem như “ông kẹ” với những lực lượng nước ngoài muốn xâm chiếm Qatar. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, nhóm bốn nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Barhain và Ai Cập đều khẳng định không cần chọn đến giải pháp quân sự. Chưa kể còn có 5.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trú đóng trên lãnh thổ Qatar. Đây không phải là lực lượng sẽ bảo vệ Qatar trong tình huống bị tấn công nhưng chính quyền Ankara luôn nhấn nhá về khả năng này. Ngày 3-7, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus lại khẳng định rằng nước này không hề có ý định giảm lực lượng đang trú đóng tại Qatar dù trong bản yêu sách của nhóm 4 nước có yêu cầu Qatar loại ra sự hiện diện quân sự của Thổ. Phó thủ tướng Kurtulmus binh luận: “Cuộc khủng hoảng liên quan Qatar hiện nay không có nguyên nhân sâu xa và bị tạo ra một cách giả tạo”. Theo ông, bản yêu sách 13 điểm cần làm để thoát khỏi khủng hoảng cho Qatar là “không thể chấp nhận được cho một quốc gia độc lập”. Theo trang Sputnik của Nga, trong cuộc họp báo tại Ankara, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đảm bảo an ninh không chỉ cho Qatar mà cho cả khu vực. Sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được duy trì. Ý định muốn gắn sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar với cuộc khủng hoảng chính trị trong khu vực hiện nay là một điều sai lầm nặng nề”. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Iran đều một mực bảo vệ cho Qatar với những hỗ trợ bước đầu bằng việc cung cấp lương thực cần thiết cũng như đưa ra những cảnh báo với các nước đang cô lập Qatar.
Tài chính dựa dầu khí
Trong khi đó chính quyền Qatar cũng đã thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới với mục tiêu được cho là tăng nguồn tài chính cho đất nước. Phát biểu với báo giới ngày hôm nay (4-7), Giám đốc Cơ quan Dầu khí Qatar Saad Sherida Al-Kaabi cho biết nước này có ý định tăng sản lượng khai thác khí đốt lên mức 100 triệu tấn/năm vào năm 2024. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tiểu vương quốc giàu tài nguyên này đang chịu sức ép lớn từ các nước láng giềng trong cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất ở khu vực này trong nhiều thập kỷ qua. Do bị cô lập, doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Qatar tăng lên 7,8% GDP. Nếu căng thẳng ngoại giao vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo ra những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này. Đặc biệt, các rạn nứt chính trị đã gây ra nhiều bất ổn và có thể tác động đến các hoạt động thương mại, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn – nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng mà Qatar đang triển khai để đăng cai vòng chung kết bóng đá World Cup 2022. Mặc dù sản lượng dầu mỏ của Qatar chỉ khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, tương đương chưa đến 1% tổng sản lượng dầu thô toàn thế giới, nhưng quốc gia này lại là một “ông lớn” trên thị trường khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) khi chiếm tới hơn 30% nguồn cung toàn cầu. Trong tổng số 80 triệu tấn LNG mà Qatar xuất khẩu, hầu hết được vận chuyển bằng các tàu chở dầu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : %brazildầu khíGCCQatarThổ Nhĩ Kỳvũ khí

Các tin liên quan đến bài viết