Đồng tiền Trung Quốc bị điều chỉnh không đúng theo giá trị thị trường khiến nhà đầu tư lo lắng, điều chỉnh hướng đầu tư |
Theo báo Financial Times, khoảng 30 giao dịch của Trung Quốc mua lại công ty ở Mỹ và châu Âu đã bị hủy do các qui định liên quan tiền tệ. Tờ báo trích dẫn phân tích số liệu của công ty luật Baker McKenzie và công ty nghiên cứu Rhodium cho thấy tình hình hủy giao dịch tăng gấp bảy lần so với năm 2015 (khi đó các hợp đồng bị hủy trị giá tổng cộng 10 tỉ USD). Tuy nhiên những khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu và Mỹ vẫn tăng gấp đôi trong năm 2016 so với năm trước đó, lên con số 94,2 tỉ USD. Điều đó cho thấy dòng tiền từ Trung Quốc tiến ra nước ngoài vẫn rất mạnh mẽ.Theo những người hiểu biết về các giao dịch với Trung Quốc, hiện tượng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc ra nước ngoài cũng khiến những bên muốn bán tài sản ở châu Âu và Mỹ thấy lo ngại, dẫn đến thái độ thận trọng trong các giao dịch với người mua từ Trung Quốc. “Các nhà đầu tư Trung Quốc nay đã chuyên nghiệp hơn nhưng bên bán bắt đầu ưu tiên cho người mua tiềm năng không phải Trung Quốc vì các qui định được áp đặt liên quan đến vốn đầu tư”, một nhà thương thuyết rành rẽ về vấn đề giải thích. Số tiền từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài lại đạt con số kỷ lục mới trong năm qua, do viễn cảnh đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu đi so với USD, và tình hình tăng trưởng thấp của kinh tế Trung Quốc buộc người có tiền chuyển hướng đầu tư ở nơi khác. Cơ quan chức năng của Trung Quốc có mối lo thực sự khi dự trữ ngoại tệ giảm liên tục và trong năm 2016 đã bị giảm 320 tỉ USD. Để ngăn chặn đà suy giảm này, cơ quan giám sát ngoại hối của Trung Quốc tìm cách ngăn chạn nạn chảy máu vốn ra nước ngoài thông qua các thương vụ mua bán.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc dù còn đến 3.011 tỉ USD (tính đến cuối tháng 12-2016) nhưng do nằm trong chuỗi giảm liên tiếp nên cơ quan chức năng đứng ngồi không yên. |
Theo Financial Times, cơ quan giám sát ngoại hối của Trung Quốc đang dựng rào cản với các nhà đầu tư của nước này bằng cách ngăn chận những thương vụ mua “không hợp lý”, xem xét kỹ lưỡng đối với bất kỳ thương vụ đầu tư ra nước ngoài nào trị giá hơn 1 tỉ USD. Ví dụ rõ nét nhất là vụ tập đoàn bảo hiểm Anbang của Trung Quốc tính mua lại Starwood Hotels & Resorts của Mỹ trong Thương vụ trị giá 14 tỉ USD nhưng vụ này bị chính nhà quản lý Trung Quốc ngăn chặn. Dẫu vậy, theo một thống kê mới công bố của tập đoàn JLL, trong năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi đến 33 tỉ USD để mua bất động sản ở nước ngoài gồm cả các khách sạn, tòa nhà văn phòng, tòa nhà chung cư. Đây là mức tăng đến 50% so với năm trước đó và các thương vụ thành công chủ yếu ở Mỹ.