Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế VN trình bày tham luận |
Phát biểu tại diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26-4 do báo Tuổi Trẻ tổ chức, bà Nguyễn Thị Cúc nêu thực tế cho thấy dù hiện có hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh nhưng số thuế nộp chỉ chiếm vài % trong số thu. “Thất thu thuế ở mảng này là có, do doanh thu ấn định chưa sát. Nhiều cơ sở kinh doanh kinh doanh lớn nhưng số thu rất thấp, dẫn đến nhà nước bị ảnh hưởng và DN cũng bị ảnh hưởng. Người dân cũng không muốn trốn thuế đâu, họ muốn thực hiện nhưng phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu”, bà Cúc khẳng định. Cũng theo bà Cúc, điều các hộ kinh doanh băn khoăn nhất là lên doanh nghiệp sợ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn. Hiện cán bộ thuế có thể định đoạt, “cắt nửa vầng trăng”, “chia nửa vầng trăng”, thì hộ kinh doanh thấy rằng ở mô hình này “tôi nộp thuế ít hơn vậy tôi lên doanh nghiệp làm gì khi phải nộp thuế cao hơn mà lại phải giữ sổ sách”. Dẫn chứng cho trường hợp này, bà Cúc cho biết hộ kinh doanh chỉ cần một cuốn sổ chợ là có thể kinh doanh được nhưng lên doanh nghiệp thì theo quy định phải lập đến 5 báo cáo khác nhau trong đó có báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nhưng doanh nghiệp nhỏ thì cần gì.
Vậy tại sao không có hình thức kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ với những chuẩn mực phù hợp? Về thuế suất, thuế suất thuế TNDN từ năm 2014 đến 31-12-2015 quy định doanh nghiệp có danh thu đến 20 tỉ đồng/năm có thuê suất 20%, doanh thu khác thuế suất 22%, nhưng từ 1-1-2016 mức thuế suất thuế TNDN áp dụng chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô. “Điều này cho thấy, chưa có chính sách khuyến khích thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ lên”, bà Cúc nhận xét.Theo bà Cúc, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, cần tạo điều kiện tốt nhất, kết hợp yếu tố khuyến khích, tự nguyện chuyển đổi với việc áp dụng hình thực bắt buộc nhằm tuân thủ pháp luật đối với hộ sử dụng từ 10 lao động, quy mô lớn, doanh thu cao kể cả kinh doanh khách sạn, nhà hàng , dịch vu thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ, bán buôn bán lẻ hàng hóa, bán lẻ hàng hóa nhập ngoại có giá trị cao… áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh. Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi cần triển khai quyết liệt biện pháp quản lý thuế đối với hộ khoán thông qua các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để điều chỉnh doanh thu khoán đối với các hộ kinh doanh hiện hành, đảm bảo thu thuế theo oanh thu thực tế phát sinh, theo nguyên tắc thuế khoán tối thiểu bằng hoặc cao hơn kê khai. Mặt khác, cần sớm ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hoàn thiện sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật thuế hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng minh bạch; thống nhất trong thực hiện; trong đó có ưu đãi thuế cho DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên, ưu đãi thuế suất thuế TNDN đối với DN nhỏ. Doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ sang được ưu đãi thuế như doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi giảm tỷ lệ đóng BHXH, bảo hiểm bắt buộc… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp mới chuyển đổi nói riêng có thể thực hiện, trảnh tình trạng gần như 100% doanh nghiệp VN sai Luật….