Cho rằng Trung Quốc cố tình tạo ảnh hưởng ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện Mỹ nói không với một nghị quyết do Bắc Kinh thúc đẩy. Bắc Kinh đã phản pháo bằng những ngôn từ không mấy ngoại giao.

Xung đột quan điểm nhân quyền, Trung Quốc chửi thẳng Mỹ - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh 

Nghị quyết thứ 2 trong 12 năm gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ của Trung Quốc có đoạn kêu gọi duy trì “một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai vì loài người” nhận được sự ủng hộ của 47 nước, theo hãng tin Reuters.

Nó cũng đồng thời kêu gọi các nước “hợp tác vì lợi ích chung” trong lĩnh vực nhân quyền, nhấn mạnh thế giới cần tôn trọng cách định nghĩa của từng quốc gia về nhân quyền. Cần nhớ, cụm từ “hợp tác vì lợi ích chung” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các sáng kiến hợp tác được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, bao gồm Vành đai Con đường kết nối kinh tế thương mại của nhiều quốc gia.

Tờ Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức hoan nghênh việc nghị quyết được thông qua hồi cuối tuần rồi tại Geneva (Thụy Sĩ), cho rằng đó là “một chuyển biến đáng kể trong các cuộc đối thoại về nhân quyền toàn cầu”.

Tuy nhiên, 17 quốc gia bao gồm Úc, Anh và Nhật Bản chọn cách đứng ngoài, biến Mỹ trở thành quốc gia duy nhất nói không với nghị quyết của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các quan chức Trung Quốc tại LHQ không che giấu ý định “tôn vinh nguyên thủ quốc gia của họ bằng cách đưa tư tưởng của ông ta vào những thuật ngữ về nhân quyền quốc tế”.

“Rõ ràng là Trung Quốc, thông qua nghị quyết này, đang nỗ lực làm suy yếu hệ thống nhân quyền của LHQ và những quy chuẩn nền tảng của nó để làm lợi cho các quốc gia chuyên quyền”, tờ The Australian của Úc dẫn lời chỉ trích của ông Jason Mack – đại diện Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.

“Những bình luận của quan chức Mỹ tại Geneva là cực kỳ không thể chấp nhận được. Nó cũng đồng thời phản ánh sự kiêu căng và ngu dốt trường kỳ của phía Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả trong cuộc họp báo ngày 26-3.

Theo bà Hoa, ngay tại hội nghị ở Geneva, nhiều quốc gia đã khẳng định nghị quyết do Trung Quốc thúc đẩy đã phản ánh được những ước nguyện chung của cộng đồng quốc tế. Không những vậy, nghị quyết còn giúp các nước đang phát triển có được tiếng nói của chính họ trong vấn đề nhân quyền.

Viết trên tạp chí The Diplomat, ông Miloon Kothari – cựu phóng viên đặc trách Hội đồng Nhân quyền của báo The Australian, ghi nhận sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại cơ quan này trong nhiều năm qua.

“Trung Quốc đang góp vai trò và tiếng nói chủ động trên trường quốc tế trong những năm gần đây. Họ đã bỏ ra rất nhiều nguồn lực cho hai trụ cột quan trọng tại LHQ là hòa bình và an ninh”.

Với những diễn biến mới, cây bút Kothari tin rằng Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng một trụ cột thứ ba mang tên nhân quyền dựa trên “đối thoại và đồng thuận” song song với cắt giảm từ từ “trách nhiệm và minh bạch”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : "ngoại giao"Mỹnhân quyềntrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết