Việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm “thần tốc” bất chấp quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, thực tiễn công tác gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân. Đây là động thái thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu Chính phủ trong việc dẹp tệ nạn bổ nhiệm người nhà, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tùy tiện, sai quy định xảy ra liên tiếp, nghiêm trọng trong thời gian qua ở một số địa phương. Việc bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm “thần tốc” bất chấp quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, thực tiễn công tác gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội. Điều này dễ dẫn đến sự triệt tiêu tinh thần phấn đấu, nhiệt huyết và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức; nguy cơ dẫn đến tình trạng “gia đình trị”, cục bộ trong các cơ quan nhà nước; nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực vì có sự cấu kết, bao che, dung túng lẫn nhau nên các hành vi vi phạm, tiêu cực rất khó bị phát hiện hoặc được xử lý nghiêm minh…Do đó, giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải quyết liệt, xử lý nghiêm khắc đối với tình trạng bổ nhiệm trái nguyên tắc, tùy tiện cục bộ. Thông qua việc xử lý mạnh tay, nghiêm khắc, triệt để những sai phạm trong công tác cán bộ sẽ góp phần quan trọng vào việc làm lộ mặt quan tham hoặc phơi bày các hành vi tiêu cực, sai trái của các tập thể, cá nhân. Minh chứng rõ nhất là vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, các vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” ở tỉnh Bình Định, Thanh Hóa…Có thể nói nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật đều bắt nguồn, xuất phát từ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Từ những sai phạm trong công tác cán bộ mà cơ quan chức năng đã mở rộng điều tra, phát hiện, phanh phui hàng loạt sai phạm khác có liên quan như tiêu cực, tham nhũng, bè phái, cục bộ…Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần coi việc xử lý triệt để, mạnh tay đối với các sai phạm trong công tác cán bộ là “chìa khóa”, khâu đột phá trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Điều này sẽ góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền hiện nay.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bổ nhiệmcán bộđịa phươngkỷ luậttham nhũngtuyển dụngvi phạm

Các tin liên quan đến bài viết